Bộ trưởng đúc kết 6 bài học 'rất quý báu' về chống dịch COVID-19

Thứ bảy - 02/10/2021 00:41
6 'bài học quý báu' đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rút ra qua việc Việt Nam ứng phó với COVID-19 trong hơn 2 năm qua.

Như PLO thông tin, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sáng 1-10 đã chủ trì hội nghị tham vấn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Sau khi lắng nghe ý kiến đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức nước ngoài và chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu kết luận hội nghị. Điều đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là 6 bài học rút ra được đối với kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời COVID-19.

6 bài học quý báu mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, như trao đổi với phóng viên, là ông rút ra được khi xem xét tình hình kinh tế - xã hội khi phòng, chống dịch COVID-19 suốt 2 năm qua. Cụ thể 6 bài học đó là:

“Thứ nhất, năng lực về y tế công cộng, y tế cơ sở và y tế dự phòng là rất yếu. Chúng ta không chuẩn bị sẵn, không tính đến tình huống như thế này. Nên chúng ta bị động, bất ngờ. Đây là bài học, kinh nghiệm để điều chỉnh.

Thứ hai, năng lực quản trị xã hội, quản trị nhà nước, xử lý các tình huống của cán bộ các cấp, của hệ thống chính trị rất có vấn đề. Nên chúng ta mới có thể lúng túng, không đáp ứng được, nhất là ở những tháng đầu tiên (của đợt dịch thứ 4-PV). Nay thì đỡ rồi. Đây là một trong những khiếm khuyết.

Thứ ba, kiến thức, ý thức, kỹ năng của người dân để phòng, chống, tự vệ trước các biến động không được trang bị. Trong khi nước ngoài trang bị những điều đó được trang bị, đào tạo từ bậc học phổ thông, còn chúng ta chưa quan tâm đúng mức.

Thứ tư, qua thực tế, sản xuất, chuỗi cung ứng, thị trường của chúng ta phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp, thị trường nước ngoài. Tự lực, tự cường, tự chủ, sức chống chịu của chúng ta rất mong manh. Khi nước ngoài có biến động như vừa qua thì chúng ta tự thấy chúng ta bị đứt gãy cả chuỗi cung ứng đầu vào và xuất khẩu. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: năng lực quản trị nhà nước, quản trị xã hội, xử lý tình huống của cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị là rất có vấn đề. Ảnh: MPI

Thứ năm, quá trình sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường phải chú ý dự phòng để có khả năng chống chịu trong một thời gian ngắn. Nếu chúng ta không có đủ năng lực thì đổ vỡ ngay, không cấp cứu kịp, không mua bán kịp… Kể cả nhà nước hay doanh nghiệp cũng vậy, phải có năng lực dự phòng để có nguồn lực đối phó trong giai đoạn nhất định.

Thứ sáu, phải biết dựa vào dân, dựa vào hệ thống chính trị cơ sở mới đủ sức. Không thể nào các lực lượng công an, quân đội, y tế có thể kịp thời hỗ trợ người dân nhanh nhất, tốt nhất. Phải từ cơ sở, từ người dân. Việc này sau đó có “xoay lại” nên tình hình tốt lên, chứ lúc đầu cách của chúng ta chưa phù hợp cho lắm.

“Đây là 6 bài học tôi cho là hết sức quý báu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Sau khi dành ít phút phản hồi ý kiến các doanh nghiệp, chuyên gia đóng góp cho Chương trình, cũng như giải thích thêm những vấn đề mà đại biểu đề cập, Bô trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Do xoay chuyển chiến lược (phòng, chống COVID-19 – PV) nên tình hình bây giờ đã tốt dần lên, và sẽ còn tốt lên nữa, khác với lúc đầu chúng ta có những phương cách chưa phù hợp cho lắm.

Năm nay, tăng trưởng cũng chỉ khoảng 3% và chúng ta có hai năm liên tiếp không đạt mục tiêu. Đó là một thách thức cho 2022 và các năm sau. Nếu không có các chính sách đủ mạnh thì không thực hiện được mục tiêu chứ chưa nói đến khát vọng. Nếu không có các chính sách phù hợp thì tụt hậu của nền kinh tế sẽ xa hơn, và ta lại có nhiều mục tiêu không đạt. Đó là thách thức rất lớn.

Chương trình phục hồi kinh tế đang xây dựng phải thực thi được ngay và hiệu quả, nền kinh tế tận dụng được cơ hội để phục hồi nhanh. Chương trình phải hướng tới mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời cũng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững, hạn chế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn

Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, tháo gỡ ngay các vướng mắc cho doanh nghiệp, đó là những việc Chính phủ đang làm và tiếp tục làm.

“Chúng tôi sẽ lưu ý khi xây dựng chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

CHÂN LUẬN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây