Kích cầu để đẩy sức mua trên thị trường bán lẻ

Thứ tư - 20/10/2021 12:08
Tiêu thụ trong nước bao gồm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thông qua mua bán trên thị trường và sản phẩm tự cấp, tự túc. Có nhận diện gì về những chỉ tiêu này trong 9 tháng và dự báo như thế nào cho cả năm 2021?

Giãn cách cao, kéo dài khiến bán lẻ “co lại”

Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng thương mại bán lẻ tính theo giá thực tế 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm khá sâu (7,1%), sâu nhất trong cùng kỳ của nhiều năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, còn giảm sâu hơn (8,7% - mức giảm cao hơn 5,1% của cùng kỳ); nếu tính bình quân đầu người thì còn giảm sâu hơn nữa (giảm khoảng 9,7%).

Ảnh minh họa

Tỷ trọng tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng nhanh từ trên dưới 80% lên trên 90%. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm tự cung tự cấp tăng lên từ dưới 10% lên trên 10%, có nhiều nơi, nhiều thời gian còn cao hơn lên đến trên dưới 15% và tỷ trọng tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường giảm tương ứng xuống dưới 90% và dưới 85%.

Một yếu tố quan trọng là cơ cấu thương mại bán lẻ theo nhu cầu tiêu dùng. Sự sút giảm thương mại bán lẻ diễn ra ở cả 4 nhu cầu. Bán lẻ hàng hóa tuy bị giảm 3,4% so với cùng kỳ, nhưng do giảm ít hơn các nhu cầu khác, nên vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (82,6%) và tỷ trọng vẫn cao hơn của cùng kỳ (76,7%) - chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam vẫn tập trung vào tiêu dùng sản phẩm hàng hóa vật chất; trong điều kiện khó khăn do đại dịch lại càng tập trung hơn cho nhu cầu này.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm sâu (22,1%), nên tỷ trọng trong thương mại bán lẻ 9 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ (8,3% so với 9,9%). Dịch vụ du lịch lữ hành giảm rất sâu (64%), nên tỷ trọng đã nhỏ, còn bị giảm so với cùng kỳ (0,1% so với 0,4%). Dịch vụ khác cũng bị giảm sâu (19,4%), nên tỷ trọng trong thương mại bán lẻ cũng đã bị giảm (8% so với 10,4%).

Một yếu tố quan trọng khác là xét theo thời gian, so với cùng kỳ năm trước, thương mại bán lẻ nếu quý I còn tăng 4,6%, quý II còn tăng 4,1%, thì quý III bị giảm rất sâu (28,1%), nên tính chung đã giảm 7,1%.

Dự báo cả năm, ở kịch bản nào cũng vẫn giảm

Hiện nay đã có dự báo về tốc độ tăng thương mại bán lẻ năm 2021 so với năm trước. Bộ Công thương đã đưa ra dự báo thương mại bán lẻ năm 2021 có thể tăng 3 - 4% so với năm 2020.

Dự báo khả năng quý IV/2021 đạt được bằng quý IV/2020, tức là đạt 1.435 nghìn tỷ đồng (bình quân 1 tháng đạt 478,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức bình quân 1 tháng của 9 tháng đầu năm 2021 hơn 103 nghìn tỷ đồng). Nếu dự báo trên là đúng thì cả năm 2021, thương mại bán lẻ sẽ đạt 4.803 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2020. Nếu dự báo khả năng khả quan hơn (quý IV/2021 so với quý IV/2020 tăng 3 - 4%), tức là rất cố gắng, thì quý IV/2021 sẽ đạt 1.478 – 1.492 nghìn tỷ đồng và cả năm 2021 sẽ đạt 4.846 – 4.860 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3 - 2,6% so với năm 2020.

Theo đó, dù theo phương án nào, thì thương mại bán lẻ năm 2021 cũng bị giảm so với năm 2020.

Để đạt được mức như dự báo, sẽ có nhiều việc phải làm. Trước hết, cần rút kinh nghiệm để làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Số người nhiễm và chết vì dịch bệnh đang có xu hướng giảm, nhưng quy mô nhiễm và chết vẫn còn lớn, chưa thể chủ quan thỏa mãn.

Cùng với phòng chống đại dịch, cần nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới. Mở cửa dần cho các hoạt động kinh tế - xã hội, tập trung vào các ngành, lĩnh vực như dịch vụ du lịch lữ hành nội địa, dịch vụ lưu trú ăn uống, một số dịch vụ khác (nhất là hàng không, giáo dục,…).

Tập trung làm tốt các giải pháp tài chính - tiền tệ. Tăng quy mô gói kích cầu, hiện mới đạt 2% là thấp (năm 2009, gói kích cầu 9 tỷ USD, bằng 9,2% GDP 2008). Nguồn phần lớn lấy từ nguồn nợ công, trong khi nợ công/GDP theo giới hạn là 65% GDP, năm 2020 mới ở mức 55,6%/GDP chưa đánh giá lại, nếu so với GDP đánh giá lại chỉ là 44,4%.

Phương thức kích cầu mà các nước đang áp dụng có nhiều. Ngoài các khoản hỗ trợ khác, có thể thông qua việc cấp bù lãi suất. Nhưng cần rút kinh nghiệm năm 2009, lượng tiền hỗ trợ lãi suất khoảng 30 nghìn tỷ đồng, nên chỉ kéo một lượng tiền khoảng 100 nghìn tỷ đồng từ ngân hàng ra lưu thông sẽ không gây hiệu ứng phụ như 2009 (với hơn 400 nghìn tỷ đồng ra lưu thông).

Tốc độ tăng thương mại bán lẻ 3 - 4% năm nay khó đạt

Thương mại bán lẻ năm 2020 đạt 4.976,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 9 tháng đạt 3.625 nghìn tỷ đồng, 3 tháng cuối năm đạt 1.435 nghìn tỷ đồng; nếu tăng 3 - 4%, thì thương mại bán lẻ năm 2021 sẽ đạt 5.126 – 5.176 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên với thực tế thương mại bán lẻ 9 tháng 2021 đạt 3.368 nghìn tỷ đồng; theo đó trong 3 tháng cuối năm phải đạt 1.758 – 1.808 nghìn tỷ đồng, tức là tăng 22,5 - 26% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó có thể là sự lạc quan thái quá khi so sánh mức bình quân 1 tháng của 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 374,2 nghìn tỷ đồng, trong khi 3 tháng cuối năm 2020 đã đạt 478,3 nghìn tỷ đồng và 3 tháng cuối năm 2021 phải đạt 586 - 602 nghìn tỷ đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây