Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Rút ngắn tối đa thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả

Thứ ba - 19/10/2021 07:59
Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trong nước và quốc tế về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo tóm tắt giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt:

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi của các phóng viên

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy, 01 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (06 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 05 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nêu rõ, những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung sau:

(1) Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

(2) Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(3) Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

(4) Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

(5) Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Rút ngắn tối đa thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng

Trả lời câu hỏi của các phóng viên quan tâm, về vấn đề Kỳ họp này có ngắn quá để đảm bảo chất lượng hay không, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có rất nhiều Đề án đổi mới như đổi mới nội quy kỳ họp, đổi mới quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có các chuyên đề xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thời gian gần đây, Quốc hội đã có đổi mới rất mạnh mẽ không phải chỉ có 2 kỳ họp Quốc hội, mỗi tháng 1 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà liên tục tổ chức các hội nghị chuyên đề, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đối tượng thụ hưởng chính sách mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.

Toàn cảnh Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thông thường các kỳ họp cuối năm trước đây kéo dài 25-27 ngày, các vấn đề kinh tế - xã hội 5 năm đều thông qua tại Kỳ họp thứ hai nhưng đợt này và một số nội dung quan trọng đã thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, mặc dù các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều hội nghị để đóng góp ý kiến để trình ra Quốc hội với chất lượng tốt hơn, đạt sự đồng thuận cao, do vậy khi trình ra Quốc hội thì có ít ý kiến khác nhau, chủ yếu bàn về các vấn đề lớn, kỹ thuật văn bản đã được chuẩn bị kỹ.

Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2 này tuy không dài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tháng 12 tới tiếp tục tổ chức họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, xem xét kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm từ xa, qua đó nâng cao chất lượng tốt hơn, có tổ tư vấn để thực hiện công tác lập pháp, giám sát tối cao các vấn đề quan trọng của đất nước.

Muốn sáp nhập tỉnh phải đánh giá đầy đủ các yếu tố được dân đồng thuận

Tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019-2021 để sửa nghị quyết của Thường vụ làm cơ sở cho việc sắp xếp bộ máy trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội XIII có đề cập đến việc nghiên cứu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vậy trong quá trình giám sát, sửa đổi nghị quyết, Thường vụ Quốc hội có tính toán tới việc sáp nhập một số tỉnh thành trong giai đoạn sắp tới?".

Trả lời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, từ năm 2019-2021 là giai đoạn đầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đạt hai tiêu chí diện tích, dân số. Vừa qua, theo chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát về nội dung này để báo cáo với Quốc hội.

Đây là bước chuẩn bị rất quan trọng để tiến hành sắp xếp huyện, xã giai đoạn tiếp theo, cũng là cơ hội để Thường vụ đánh giá lại các tiêu chí cấp huyện, xã trong Nghị quyết 1211, làm căn cứ pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đoàn giám sát không đánh giá việc sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ theo tiêu chí dân số, diện tích mà còn có yếu tố văn hóa, lịch sử, sự đồng thuận và hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền sau khi sáp nhập.

Còn việc có tiến hành sáp nhập cấp tỉnh không, theo ông Giang phải tổng kết để sửa đổi nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ 2 là phải đánh giá đầy đủ các yếu tố về dân số, diện tích, văn hóa, lịch sử, sự đồng thuận của người dân.

Việc sửa sửa Nghị quyết 1211 cũng phải đề cập đến yếu tố, sau khi sáp nhập nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của chính quyền địa phương nơi được sáp nhập.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đặt ra vấn đề "nghiên cứu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh" còn để tiến hành sáp nhập cần đánh giá đầy đủ các yếu tố và có sự đồng thuận của người dân, xem xét sự phát triển địa phương sau khi sáp nhập.

Việc này sẽ được Chính phủ tiến hành đánh giá đầy đủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cần xem xét, báo cáo Quốc hội theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận lùi việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương

Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định việc tăng lương theo lộ trình đặt ra theo Nghị quyết 27 - NQ/TW là cần thiết, song trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực chi cho công tác này rất lớn, nên năm 2021, dù hết sức cố gắng thì tăng trưởng dự kiến cũng sẽ chỉ đạt trên 3%.

"Nguồn lực dành cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn. Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII là lùi việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.

Cụ thể, việc tăng lương ở thời điểm nào sẽ giao Chính phủ, các cơ quan liên quan, Quốc hội xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, song tinh thần của Trung ương là các nhóm thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Đặng Thuần Phong cũng nhấn mạnh, dù đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp, tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương, nhưng các điều kiện cần thiết để đáp ứng cải cách tiền lương chưa đạt được yêu cầu. Bên cạnh đó toàn bộ nguồn lực của quốc gia gần như tập trung đầu tư cho phòng chống dịch Covid-19.

“Chúng ta thấy rằng, cả nước đang thắt lưng buộc bụng lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế. Giai đoạn này nếu có tiền, chúng ta tăng lương cũng phản cảm về mặt chính trị". Cho nên tôi cho rằng chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp”, ông Phong cho hay.

Công Thọ

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây