Ủy ban Kinh tế: Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh

Thứ tư - 21/07/2021 23:26
Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần thực hiện phương châm 'cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh' để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, đánh giá thêm, trong đó nhấn mạnh đến việc phục hồi kinh tế, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Nguy cơ lỡ nhịp

Theo Ủy ban Kinh tế, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, chiến lược vaccine của Việt Nam gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. “Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine”, báo cáo nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sáng 22/7. Ảnh: Thuận Thắng.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng chi thường xuyên hiện tại ước đạt 501.000 tỷ đồng chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 72% tổng chi. Triển khai phân bổ ngân sách còn chậm, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn 11,68% kế hoạch.

Ngoài ra, CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016 phản ánh sức cầu trong nước yếu. Tuy nhiên, CPI tháng 5-6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.

Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô

Ủy ban Kinh tế

Cơ quan này cũng đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch; tiến độ triển khai thực hiện một số đoạn cao tốc Bắc - Nam…

Báo cáo cũng nhấn mạnh mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Ủy ban Kinh tế cho biết tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Cơ quan này đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

“Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Chính phủ cần thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng. Ngoài ra, cần công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hóa nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.

Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động. Ảnh: Việt Linh.

Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.

“Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19”, báo cáo nêu.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh Chính phủ cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Đó là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM...

Chính phủ cũng cần sớm xây dựng chính sách phù hợp, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Xây dựng các đề án triển khai mở rộng thị trường và khai thác các lợi thế, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.

Thuận Hiếu

Nguồn tin: zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây