VEPR: Nếu thuận lợi, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,4-6,1% trong năm 2021

Thứ tư - 21/07/2021 05:34
Chiều 21/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2021 theo hình thức trực tuyến.

Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân PGS.TS. Phạm Thế Anh chủ trì Tọa đàm. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Tọa đàm, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ vào độ bao phủ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của các quốc gia.

Một số quốc gia đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh trong quý III/2021.

Trong đó, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có mức hồi phục nổi bật nhất kể từ đầu năm 2021. Các nền kinh tế thuộc châu Âu vẫn trong tình trạng suy giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, tình hình kiểm soát dịch bệnh cùng với việc mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine đã giúp nhiều quốc gia châu Âu mở cửa và có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý 2/2021

Theo VEPR, tiếp tục đà tăng trưởng kể từ quý 3/2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý 2/2021, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (0,36%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 3,82%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% và khu vực dịch vụ tăng 3,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, quý II/2020 ghi nhận ngành nông nghiệp tăng 3,83%, lâm nghiệp tăng 4,1% và thủy sản tăng 4,96%. Trong đó, ngành thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nhờ vào sự hồi phục về cầu của các thị trường nước ngoài.

Các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II/ 2021 với tốc độ 13,84% và chỉ thấp hơn cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021.

PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định, mức tăng trưởng mà Việt Nam đạt được dựa trên những yếu tố: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối quý I/2021, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang mở cửa trở lại và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, tận dụng tốt Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức thấp, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong giữa và cuối quý II/2021 đã tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đang bùng phát dịch.

Mặt khác, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại, như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm; sức khỏe hệ thống ngân hàng-tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu.

Song song với đó, chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp cũng là những điểm yếu còn tồn đọng của Việt Nam.

Ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế

Với diễn biến của tình hình dịch bệnh như hiện tại, PGS.TS. Phạm Thế Anh thông tin, VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch và các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR đưa ra ba kịch bản dự báo với các giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý IV/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát đại dịch, hoạt động kinh tế được khôi phục và căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị dịu đi.

Kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5-5,1%.

Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4-6,1%.

Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng diễn biến phức tạp trước tình trạng lây lan của dịch bệnh trong cuối quý II/2021 và đầu quý III/2021 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, cũng như quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Từ đó, VEPR đưa ra ba khuyến nghị.

Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế, cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai, Chính phủ và các Bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Gia Thành

Nguồn tin: baoquocte.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây