Việt Nam nhập siêu trong tháng 4

Thứ năm - 29/04/2021 01:17
Ước tính tháng 4, Việt Nam nhập khẩu 27 tỷ USD hàng hóa, trong khi xuất 25,5 tỷ USD.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 29,65 tỷ USD, cao hơn 1,05 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng có tới 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 57,58 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 36,6 tỷ USD, tăng 27,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 7,33 tỷ USD, tăng 8,8%. Nhóm hàng thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%.

Viet Nam nhap sieu trong thang 4 anh 1

                         Thủy sản luôn nằm trong nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3 đạt 28,46 tỷ USD, cao hơn 257 triệu USD so với số ước tính.

Ước tính tháng 4, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,1%.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3 xuất siêu 1,2 tỷ USD; quý I xuất siêu 2,79 tỷ USD. Tháng 4 ước tính nhập siêu 1,5 tỷ USD; ước tính 4 tháng đầu năm, xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Cũng tại báo cáo, cơ quan thống kê thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 4 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4 giảm 1,9% so với tháng trước; giảm 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá USD tháng 4 thì tăng 0,29% so với tháng trước; tăng 0,18% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm trước.

Tuấn Hùng

Nguồn tin: zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 10

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây