Các cơ quan Quốc hội ủng hộ 3 đề án của TP.HCM

Thứ tư - 29/07/2020 21:41
“Nếu tỉ lệ (điều tiết ngân sách) để lại tăng mà TP.HCM đóng góp cho trung ương tăng thì mới là bền vững” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Sáng 29-7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho ba đề án quan trọng. Đó là đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030; đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM và đề án không tổ chức HĐND quận, phường.

Tháng 8 trình Bộ Chính trị ba đề án

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết ba đề án được chuẩn bị theo yêu cầu của Bộ Chính trị và sẽ hoàn thiện để tháng 8 trình Bộ Chính trị.

Về đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng từ lâu TP với sự nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của trung ương, Quốc hội… đã luôn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tăng trưởng liên tục và giữ được tỉ lệ đóng góp ngân sách cho trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, TP.HCM còn thiếu vượt trội, trong đó có nguyên nhân là do cách quản lý chưa tốt của TP, phát huy thế mạnh của con người, hợp tác phát triển còn hạn chế, đầu tư chưa cao. TP vẫn cần có những đột phá để phát triển hơn, nhất là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thu hút các tập đoàn nước ngoài lớn… “TP luôn day dứt một vấn đề, nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phát triển bền vững thì phải thế nào. Nếu tỉ lệ để lại tăng mà TP.HCM đóng góp cho trung ương tăng thì mới là bền vững” - ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng cho rằng 1 đồng vốn để lại cho TP thì tạo ra 10-14 lần cho đầu tư xã hội, 1 đồng để lại sẽ tạo GDP tăng cao hơn, thu ngân sách lớn hơn. “Tức là TP tăng mà trung ương cũng tăng, để lại là để tăng lên” - ông Nhân nói và cho biết đề án kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% hiện tại lên 23%, trở lại chu kỳ điều tiết ngân sách cũ.

Đối với đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đề án này sẽ hình thành vùng động lực cho TP phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của TP.

Theo ông Nhân, với việc thành lập TP Thủ Đức với diện tích lớn hơn cả 13 quận khác cộng lại, dân số hơn 1 triệu người, dự báo trước năm 2030 sẽ hơn 2 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế cho TP. Ba quận phía đông của TP được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một vùng tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Các cơ quan Quốc hội ủng hộ 3 đề án của TP.HCM - ảnh 1

Việc thành lập TP Thủ Đức  sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển của TP.HCM và cả nước. Trong ảnh: Tuyến đường xa lộ Hà Nội đoạn đi qua Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Tăng tỉ lệ điều tiết để đóng góp nhiều hơn

Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các đề án đã được nghiên cứu sâu và có tính thuyết phục khá cao. Theo ông, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là ủng hộ TP.HCM có mô hình sáng tạo, nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.

Với đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, ông Thanh nói: “Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc đưa tiền vào những vùng có động lực để tiền sinh sôi nảy nở, tạo đà tăng trưởng”. Theo ông Thanh, hiện nay hạ tầng giao thông nội đô của TP.HCM cũng như liên kết với vùng phía Nam không bảo đảm cho phát triển, do đó rất cần thêm tỉ lệ ngân sách cho TP phát triển. Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Còn về tỉ lệ điều tiết tăng bao nhiêu, ông Thanh cho rằng cần bảo đảm hài hòa với những nơi khác, vùng khác, không làm mất động lực của các địa phương, vùng khác. Bởi vì hiện mới có 16 tỉnh, thành tự cân đối được ngân sách.

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng chia sẻ với những thách thức mà TP đang đối mặt. Ông cho rằng để giải quyết phải có nguồn lực và để tăng nguồn lực có nhiều cách, trong đó có tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. Ông Nhã cũng đề nghị TP suy tính thêm những cách khác để tăng nguồn lực phát triển.

Về đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, các ý kiến tại hội nghị cơ bản đồng tình ủng hộ.

Ông Vũ Hồng Thanh đồng ý với việc thành lập TP Thủ Đức sẽ tạo ra cú hích cho phát triển của TP.HCM và cả nước. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng đề án chưa rõ các đột phá, cần làm rõ hiệu quả khai thác đất đai đô thị vùng ven đô. “TP Thủ Đức phát triển cần những yếu tố gì cũng cần làm rõ. Cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để thu hút đầu tư, tính cả trong mối liên kết với các khu vực xung quanh” - ông Thanh nói.

TP đã chuẩn bị kỹ, nỗ lực để tăng trưởng

Sau khi lắng nghe các góp ý, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh ba đề án.

Đối với đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, ông Phong khẳng định TP sẽ tăng đóng góp ngân sách cho trung ương. “TP vẫn luôn nỗ lực để tăng trưởng, trong đó cả việc kết nối với các tỉnh xung quanh, trong khi đó hạ tầng giao thông kết nối rất kém mà giao thông là đột phá rất quan trọng. Để làm hạ tầng thì cần nguồn lực” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, TP đã tính toán, nếu tăng tỉ lệ điều tiết lên 23% thì ngân sách trung ương cũng không bị giảm mà còn tăng ngân sách nộp về trung ương.

Về đề án thành lập TP Thủ Đức, người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định đã chuẩn bị rất kỹ và TP sẽ tổ chức quy hoạch bài bản.

Đảm bảo chất lượng giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường

Về đề án không tổ chức HĐND quận/phường, TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét, thông qua đề án từ ngày 1-7-2021 mà không làm thí điểm như Hà Nội và Đà Nẵng. Bởi TP.HCM đã có bảy năm thí điểm về vấn đề này.

Các đại biểu đặt vấn đề khi không tổ chức HĐND quận, phường thì về tổ chức bộ máy HĐND TP và chất lượng hoạt động phải làm thế nào để tránh chồng chéo trong kiểm tra, giám sát. Cùng đó là cần báo cáo rõ hơn về vấn đề thí điểm trước đó của TP. Bởi hiện nay Hà Nội và Đà Nẵng vẫn đang thí điểm.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu đồng thời lý giải về điều này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP căn cứ trên Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2020. Ban đầu, đề án có từ thí điểm nhưng theo ý kiến Bộ Nội vụ phản hồi từ 1-7-2020 luật có hiệu lực rồi nên không thí điểm nữa.

Bên cạnh đó, TP căn cứ thực tiễn bảy năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016 thì mặt được nhiều hơn. 

 

Tác giả bài viết: TÁ LÂM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây