Loạt dự án “khủng” hoạt động thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Thứ năm - 26/12/2019 22:10
Năm 2019, nhiều dự án lớn của ngành công nghiệp đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.
3423 anh thep xay dung Hoa Phat
3423 anh thep xay dung Hoa Phat

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy: Năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%). Con số đạt được tuy thấp hơn mức tăng của năm 2015, 2017, 2018 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2014 và 2016.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Bộ Công Thương đánh giá, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Năm qua đã có sự đồng đều hơn trong tăng trưởng sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đặc biệt tăng cao ở các sản phẩm như sắt thép thô, khí hóa lỏng, xăng dầu, alumin, vải dệt, thức ăn cho thủy sản..., trong khi đó nhóm điện thoại di động giảm so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đã vươn lên đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng sản xuất nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.

Điểm đáng chú ý trong “bức tranh” sản xuất công nghiệp năm 2019 được Bộ Công Thương nhắc tới là nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Điển hình như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm (năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 thay vì tháng 9/2019 như kế hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn từ năm 2017 - 2018 (như Thaco Bus, Thaco-Mazda, Hyundai Thành Công) đã có sản phẩm trong năm 2019.

Bên cạnh ngành thép, ngành ô tô, trong năm 2019, ngành điện cũng đã hoàn thành và đưa vào phát điện Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 68,4 triệu kWh, qua đó tăng cường nguồn điện cấp cho phụ tải khu vực và hệ thống, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đồng thời, ngành điện đã hoàn thành một số công trình quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: Đường dây 500kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, TP Hà Nội (nhánh rẽ TBA 220kV Tây Hà Nội); tập trung thi công đảm bảo tiến độ phát điện của các dự án: Nhiệt điện Duyên Hải III mở rộng; Nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng; Thủy điện Đa Nhim mở rộng (giai đoạn 2); Thủy điện Thượng Kon Tum...

Bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong sản xuất công nghiệp.

Đó là đóng góp vào tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp năm 2019 giảm nhẹ so với năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu thụ nhiều sản phẩm giảm, trong đó có sản lượng điện thoại di động giảm; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu mục tiêu đề ra...

Ngoài ra, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Năng lực tăng thêm của một số ngành, sản phẩm đã tới hạn, hó có khả năng tăng thêm nên sản lượng một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như phân hỗn hợp (NPK); thuốc lá điếu; khí đốt thiên nhiên; linh kiện điện thoại; điện thoại di động; dầu thô khai thác...

Năm 2020, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 9 - 10% so với năm 2019.

Thanh Nguyễn

 

Nguồn tin: haiquanonline.com.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây