Tai nạn 8 người chết: Những điểm đen rình rập ở Bình Thuận

Thứ ba - 21/07/2020 22:27
Đoạn đường bị tai nạn đã được Bộ GTVT phê duyệt mở rộng ba cầu hẹp, thắt cổ chai nhưng ba năm qua chưa thực hiện.

Ngày 21-7, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận có báo cáo gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT về vụ tai nạn xảy ra sáng cùng ngày tại Km 1767 quốc lộ 1, thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, làm tám người chết, bảy người bị thương.

Tai nạn kinh hoàng trong đêm

Theo báo cáo, lúc 1 giờ 10 ngày 21-7, xe khách 16 chỗ 86B-010.87 do ông Lê Thanh Trúc (ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc) điều khiển chạy hướng Bắc - Nam, trên xe có 14 người. Đến địa điểm trên đã tông vào xe tải 79N-0315 do ông Phan Thanh Tùng (ngụ Khánh Hòa) điều khiển chạy hướng ngược lại.

Qua dữ liệu giám sát hành trình xác định thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, xe khách có tốc độ là 69 km/giờ và xe tải có tốc độ là 60 km/giờ.

Sau khi tai nạn xảy ra, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, CSGT tỉnh và lãnh đạo huyện Hàm Tân đã có mặt tại hiện trường cùng các lực lượng chức năng, người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu, giải tỏa ùn tắc giao thông.

Đến 6 giờ, tình hình giao thông đã thông suốt cả hai chiều tại vị trí xảy ra tai nạn.

Ngay trong sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ ban đầu cho gia đình các nạn nhân tử vong và bị thương.

Đến trưa 21-7, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, đại diện đoàn công tác của Bộ GTVT và ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã đến kiểm tra hiện trường vụ tai nạn.

Đoàn công tác cũng đến thăm, viếng tang, động viên, hỗ trợ đối với gia đình các nạn nhân ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc.

Tai nạn 8 người chết: Những điểm đen rình rập ở Bình Thuận - ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thăm hỏi người bị tai nạn tại bệnh viện. Ảnh: P.NAM

Tai nạn 8 người chết: Những điểm đen rình rập ở Bình Thuận - ảnh 2

Hiện trường vụ tai nạn làm tám người chết, bảy người bị thương. Ảnh: P.NAM

Làm rõ người cầm lái xe khách

Chiều cùng ngày, đoàn đã làm việc ghi nhận kết quả điều tra vụ tai nạn và kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận.

Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh Bình Thuận nên chủ động ngân sách tăng cường tuần tra kiểm soát, lắp đặt hệ thống giám sát camera ở các vị trí nguy hiểm, trọng điểm, điểm đen tai nạn giao thông. Đề nghị làm rõ, xác minh ai là người lái xe khách vì có liên quan đến việc doanh nghiệp có bị liên đới trách nhiệm hình sự hay không.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá cao tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo kịp thời, các đơn vị đã phối hợp triển khai các biện pháp khắc phục và thăm hỏi các nạn nhân.

Đối với việc lắp đặt dải phân cách, theo Thứ trưởng Tuấn, trong đề xuất bổ sung dải phân cách trước đây giữa UBND tỉnh và Bộ GTVT không có vị trí xảy ra tai nạn ngày 21-7. Ông Tuấn đề nghị tỉnh rà soát và có đề xuất với Bộ GTVT vấn đề này.

Đối với hệ thống chiếu sáng thì bộ sẽ xem xét, đề xuất lắp đặt ở các điểm đen, khu vực dễ xảy ra tai nạn giao thông và cả lắp đặt camera an ninh. Đặc biệt là phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt mạnh các trường hợp vi phạm.

Báo cáo kết quả điều tra ban đầu, Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết nguyên nhân vụ tai nạn là do xe khách chạy lấn làn đường, phần đường. Trước cầu và sau cầu sông Giêng đều có biển cấm vượt nhưng dấu vết để tại hiện trường cho thấy xe khách đã vượt trái phép.

“Công an đang làm việc với tài xế xe tải và phụ xe tải. Hiện tại chưa xác định rõ ai là người cầm lái xe khách lúc xảy ra tai nạn. Chúng tôi chưa làm việc trực tiếp với nhà xe, tuy nhiên hồ sơ nhà xe cung cấp cho thấy người chết trên vô lăng chỉ có bằng lái xe tải hạng C, có nghĩa là không đủ điều kiện điều khiển xe khách 16 chỗ” - Đại tá Lập nói.

Theo Đại tá Lập, tài xế cầm lái chiếc xe khách ban đầu được xác định là Lê Thanh Trúc đã chết. Tuy nhiên, tài xế Nguyễn Thanh Tiệp (31 tuổi, quê Lâm Đồng) lại thừa nhận mình mới là người cầm lái, đang bị thương và điều trị tại BV đa khoa Bình Thuận. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ việc này.

Kiến nghị xử lý các điểm hay xảy ra tai nạn

Sau vụ tai nạn, Bình Thuận tiếp tục kiến nghị xử lý các điểm có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

Cụ thể, quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai khoảng 50 km có mặt đường rất hẹp, không có dải phân cách giữa, xe gắn máy và các loại xe thô sơ khác đi chung làn xe cơ giới. Một số vị trí có cầu hẹp, nhiều đoạn cong cua liên tiếp, hay có tai nạn (tháng 9-2017, tai nạn giữa xe giường nằm và xe đầu kéo rơmoóc làm hai người chết, chín người bị thương. Tháng 7-2017, một vụ tai nạn làm hai người chết và hai người bị thương...). Các vụ tai nạn giao thông trên do đường không có dải phân cách, dẫn đến tông trực diện.

Tháng 10-2019, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị đầu tư nâng cấp đoạn đường trên với quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, tách biệt dòng xe ngược chiều bằng dải phân cách cứng nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Bình Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương các giải pháp, phương án xử lý trước mắt các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là các đoạn không có dải phân cách trên tuyến quốc lộ 1. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sớm triển khai thi công mở rộng nền, mặt đường và các cầu hẹp (cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon và cầu Tân Minh), lắp đặt dải phân cách 43,7 km còn lại.

Bộ GTVT chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 1, đây là giải pháp căn cơ để giảm tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công an ưu tiên, sớm triển khai đầu tư dự án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo nghị quyết của Chính phủ...

Đã phê duyệt lắp dải phân cách nhưng chưa thực hiện

Trong năm 2017, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức BOT.

Trong đó bổ sung đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt dải phân cách (19,6 km) các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và mở rộng ba cầu Phú Sung, Ông Hạnh, Tà Mon.

Tuy nhiên, đến nay chỉ thi công lắp đặt dải phân cách giữa 6,3 km, còn lại 13,3 km dải phân cách giữa và mở rộng ba cây cầu vẫn chưa triển khai. 

 

Tác giả bài viết: PHƯƠNG NAM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây