Sửa nghị định, doanh nghiệp được trả lại cả ngàn tỉ

Chủ nhật - 19/07/2020 22:04
Việc sửa đổi Nghị định 20/2017 về các giao dịch liên kết giúp hàng loạt công ty được hưởng lợi, thậm chí có đơn vị được trả lại cả trăm tỉ đồng.

Sau ba năm chờ đợi, Nghị định 68/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017 về chống chuyển giá đã được chính thức ban hành. Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý nhất là nâng trần khống chế cho phí lãi vay từ 20% lên 30%; hồi tố, hoàn trả số tiền thuế đã truy thu và áp dụng hồi tố cho những công ty đã tính thuế từ năm 2017, 2018.

Đây là những điều khoản gây nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) từ năm 2017 đến nay, khiến không ít công ty phải nộp thêm hàng trăm tỉ đồng tiền thuế mỗi năm.

Từ lời thành lỗ vì vướng trần lãi vay

Kỳ hạch toán tài chính giữa niên độ 2019 có lẽ là thời điểm gây ám ảnh cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Bởi sau khi công ty lập báo cáo tài chính với sự xuất hiện các khoản lợi nhuận thì đến khi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiểm toán lại đã bác đi những khoản lợi nhuận này. Trong đó lớn nhất là khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng đến từ các DN có giao dịch liên kết với tổng số tiền hơn 335 tỉ đồng. “Việc bác khoản mục này vì liên quan đến Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với các DN” - Công ty Ernst & Young Việt Nam giải thích.

Chính vì bị bác các khoản lợi nhuận trên nên kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai từ lời đã xuất hiện khoản lỗ hàng trăm tỉ đồng. Đặc biệt, thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với cổ phiếu của công ty này dẫn đến liên tục giảm giá trị ở thời điểm báo cáo tài chính kiểm toán được công bố. Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, đánh giá: Nghị định 20/2017 có nhiều điểm bất hợp lý và có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn, chưa đúng bản chất nghị định chống chuyển giá.

“Chúng tôi không phải là đối tượng của chống chuyển giá nên việc phải nộp thuế thu nhập DN do bị loại chi phí lãi vay phát sinh vượt 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong năm là không hợp lý” - đại diện Hoàng Anh Gia Lai khẳng định.

Không chỉ Hoàng Anh Gia Lai vướng điều này mà nhiều công ty khác cũng chung cảnh ngộ. Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp vướng mắc khá nhiều với Nghị định 20, trong đó có quy định trần chi phí lãi vay 20% khiến nhiều công ty thành viên phải nộp thêm hàng trăm tỉ đồng thuế thu nhập DN. Nguyên nhân là các công ty con của EVN nhận khoản vay từ công ty mẹ để đầu tư phát triển kinh doanh nhưng sau đó chi phí lãi vay này vừa bị khống chế, vừa bị loại ra nên phải nộp thuế rất nhiều.

Đặc biệt, Nghị định 20 khiến khối DN tư nhân phải nộp thuế thu nhập DN cao hơn và lợi nhuận thật bị giảm hoặc bị lỗ nặng. Thậm chí có những công ty không có tiền nộp thuế nên bị nêu tên trên báo, cưỡng chế thuế.

Sửa nghị định, doanh nghiệp được trả lại cả ngàn tỉ - ảnh 1

Các doanh nghiệp dễ thở hơn khi trần chi phí lãi vay được nâng từ 20% lên 30%. Trong ảnh: Sản xuất chuối xuất khẩu tại Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: TL

Hàng ngàn công ty được hưởng lợi

Trước khó khăn của cộng đồng DN, Chính phủ đã quyết định sửa đổi những điểm bất hợp lý mà các DN chỉ ra trong Nghị định 20. Với việc sửa đổi này, không chỉ Hoàng Anh Gia Lai mà hàng ngàn công ty khác cũng sẽ được hưởng lợi khi nâng tỉ lệ giới hạn lãi vay được khấu trừ thuế và cho phép hồi tố khoản thuế đã nộp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định rằng Nghị định 20 được sửa đổi là tin vui đối với nhiều công ty, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Còn theo công bố của Bộ Tài chính, có khoảng 4.875 tỉ đồng được hoàn lại hoặc khấu trừ cho DN. Đơn cử như Masan, Vinhomes, Novaland, Hoa Sen, Mía đường TTC…

Luật sư Trần Xoa (Đoàn Luật sư TP.HCM), chuyên gia thuế, giải thích thêm: Việc sửa đổi Nghị định 20 sẽ giúp giải quyết nhiều khúc mắc trước đây của DN như cho phép lấy thu nhập từ lãi vay trừ đi chi phí lãi vay, phần còn lại mới tính thuế. Đồng thời, nếu chi phí lãi vay vượt quá 30%, DN sẽ được lấy phần vượt để chuyển tiếp trừ đi trong năm năm kế tiếp. “Điều này trước đây DN không được làm nên những thay đổi này giúp cho DN dễ thở hơn” - luật sư Xoa phân tích.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, nhìn nhận: Nhiều công ty nội địa gặp khó khi áp dụng Nghị định 20, đặc biệt là các công ty có đòn bẩy tài chính cao như bất động sản. Lý do là các quy định tại nghị định này tác động tiêu cực đến lợi nhuận, thậm chí có nguy cơ đẩy nhiều DN rời bỏ hoạt động kinh doanh. Do vậy, việc nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% là sự điều chỉnh tích cực từ cơ quan nhà nước. Đồng thời, việc được hồi tố các khoản tính thuế trước đây sẽ giúp DN cải thiện dòng tiền, thúc đẩy năng lực cạnh tranh để vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

“Trước đây, Nghị định 20 áp dụng không chỉ cho các khoản vay giữa các bên liên quan mà cả các khoản vay khác của DN. Đồng thời, cụm từ “chi phí lãi vay” không được hiểu rõ trong các văn bản pháp lý dẫn đến sự không thống nhất trong việc tính thuế của DN. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 20 cho thấy Chính phủ đã lắng nghe những kiến nghị, tháo gỡ các vướng mắc của DN. Những nỗ lực này của Chính phủ giúp thúc đẩy niềm tin kinh doanh, nâng cao tính minh bạch và giúp Việt Nam thu hút đầu tư hơn nữa” - TS Huy bình luận.

Vẫn còn rào cản, chưa giải quyết tận gốc

Theo luật sư, chuyên gia thuế Trần Xoa, mục tiêu của Nghị định 20 là chống chuyển giá, đặc biệt ở các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu đánh trúng đối tượng thì hiệu quả luật tăng lên rất nhiều nhưng thực tế khi áp dụng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là các công ty Việt chứ không phải các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Do đó, về bản chất, dù Nghị định 20 đã được sửa đổi như nới trần lãi vay cũng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia về thuế cũng cho rằng quyết định nâng trần khống chế lãi vay lên 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế (10%-30%). Song trên thực tế, đây là nguyên tắc áp dụng cho vốn tổng chứ không liên quan đến vấn đề chuyển giá như cơ quan thuế nói để đặt ra khung khống chế.

“Ngành thuế muốn ngăn chặn chuyện vốn ít nhưng đi vay quá nhiều vì cho rằng nó không tốt. Có điều với nước ngoài, tỉ lệ khống chế lãi vay 10%-30% là hợp lý vì họ có vốn mạnh và lãi vay của họ chỉ vài phần trăm. Còn tại Việt Nam, các DN vay lãi thường trên 10%, cho nên việc áp dụng tỉ lệ khống chế chi phí lãi vay 20% là không hợp lý, kể cả giờ đây nâng lên tỉ lệ 30% cũng chưa thực sự sát với thực tế” - một chuyên gia thuế nêu quan điểm. 

 

Tác giả bài viết: PHƯƠNG MINH

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây