Tham vọng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh
Tạp chí National Interest ngày 8-6 cho đăng tải bài viết của GS Amitai Etzioni thuộc ĐH George Washington (Mỹ) với tựa đề “Nỗi sợ Trung Quốc (TQ) tưởng tượng của Mỹ”. Theo chuyên gia này, tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay hoàn toàn là do Washington tự xem Bắc Kinh là đối thủ và đánh giá quá cao thực lực TQ. Trên thực tế, TQ không đủ nguồn lực lẫn điều kiện để cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới với Mỹ.
Đánh giá thấp Trung Quốc là sai lầm
Để minh họa cho luận điểm của mình, ông Etzioni dẫn lại hàng loạt phát ngôn của hàng loạt quan chức, chuyên gia hàng đầu Washington kêu gọi Mỹ cần khẩn trương cho cuộc đối đầu trong tương lai gần với TQ. Đơn cử, GS John H. Maurer thuộc ĐH Hải chiến Mỹ cảnh báo Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kịch bản “chinh phục thế giới bằng sức mạnh hải quân”. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence lên tiếng chỉ rõ: “TQ đang cố gắng lan rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới để thay đổi trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho mình”.
Những phát ngôn như trên, theo GS Amitai Etzioni, là không thực tế bởi ba lý do. Đầu tiên, ông cho rằng quân đội TQ hiện không đủ nguồn lực để cạnh tranh trực diện với Mỹ và trong tương lai gần cũng thế vì đơn giản mức chi quốc phòng của nước này (261 tỉ USD trong năm 2019) chưa bằng một nửa Mỹ (732 tỉ USD trong năm 2019).
Thứ hai, ông Etzioni chỉ ra TQ đang sở hữu một tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh về số lượng, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội, môi trường và giáo dục. Chưa kể, Bắc Kinh song song với đó vẫn phải chăm lo phát triển cho khoảng năm triệu hộ nghèo và cận nghèo.
Cuối cùng, chuyên gia này khẳng định giấc mơ thế chân Mỹ của TQ đã chết từ nhiều thập niên trước vì hiện TQ hoàn toàn có thể hưởng lợi từ hệ thống đang có mà không phải đánh đổi quá nhiều về chính trị. Mục tiêu lớn nhất của Bắc Kinh, theo ông Etzioni, thuần túy là phát triển kinh tế và tìm kiếm chỗ đứng như một cường quốc có tiếng nói ở tầm khu vực.
Quân đội Trung Quốc trong lễ duyệt binh mừng Quốc khánh hồi tháng 10-2019. Ảnh: REUTERS
Tham vọng ngày một lộ rõ của Bắc Kinh
Dù vậy, quan sát cách hành xử và tương tác giữa TQ và các nước khác, có thể thấy rõ TQ đang từng bước triển khai chiến lược gia tăng sự hiện diện trên trường quốc tế và tham vọng của Bắc Kinh đang ngày càng lộ diện.
Về lĩnh vực quân sự, giới lãnh đạo TQ hoàn toàn biết rõ thực lực hiện không thể so sánh với Mỹ nên nhiều năm gần đây đã đề hàng loạt kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này.
Theo tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ), một trong những thay đổi đáng kể nhất làm tinh giản lực lượng bộ binh nhằm mở rộng quy mô của các quân chủng khác, tăng tính hiệp đồng tác chiến. Hải quân TQ cũng được cải thiện. Tổ chức RAND của Mỹ đánh giá hơn 70% hạm đội của TQ có thể được xếp vào loại hiện đại trong năm 2017, tăng so với mức dưới 50% trong năm 2010.
Bên cạnh đó, quân đội TQ cũng được cho là đang đẩy mạnh phát triển có thể di chuyển nhanh hơn gấp nhiều lần so với vận tốc âm thanh và do đó khiến đối phương rất khó chống trả.
Dĩ nhiên, chỉ với những thay đổi trên thì TQ không thể tăng đáng kể cơ hội chiến thắng trong trường hợp trực chiến với Mỹ khi chỉ cần Hạm đội 7 Thái Bình Dương cũng đủ sức răn đe lực lượng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vấn đề ở đây là tâm lý đánh giá thấp và xem nhẹ các bước phát triển mà quân đội TQ đạt được trong những năm gần đây sẽ không có lợi về lâu dài và có nguy cơ tạo ra điểm yếu trong chiến lược để Bắc Kinh lợi dụng khai thác.
Về việc TQ bị kẹt phải giải quyết các bất ổn nội bộ nên không đủ khả năng lo cạnh tranh với Mỹ, đây là một quan điểm sai lầm vì thực tế chứng minh Bắc Kinh lâu nay luôn sử dụng các vấn đề đối ngoại để giảm căng thẳng trong nước, hay còn gọi là chiến thuật “chuyển lửa ra ngoài”.
Đặc phái viên về kiểm soát vũ trang của Mỹ Marshall Billingslea ngày 8-6 tiết lộ Washington vừa mời TQ tham gia đàm phán giảm trừ vũ khí hạt nhân cùng với Nga. TQ hiện là nước sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều thứ ba thế giới. |
Theo tờ The Financial Times, các hoạt động gây hấn trên Biển Đông và ở khu vực tranh chấp biên giới Trung-Ấn gần đây là ví dụ rõ nét nhất của chiến thuật nói trên. Hiện kinh tế TQ vẫn đang phục hồi sau các tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 còn nằm trên giấy và có thể bị phá sản bất cứ lúc nào nếu TQ không thực thi các cam kết mua hàng nông sản của Mỹ.
“Thực trạng này sẽ tạo ra tâm lý bức bách trong lòng người dân. Để đối phó, Bắc Kinh đã tăng cường kêu gọi chủ nghĩa dân tộc. Mục đích tuyên truyền là tập hợp toàn xã hội chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài và hướng sự giận dữ vào phía chính phủ TQ ra thế giới bên ngoài” - The Financial Times cho hay.
Cuối cùng, không có chuyện TQ từ bỏ tham vọng soán ngôi lãnh đạo Mỹ. Nói theo cách của GS Amitai Etzioni, giấc mơ này chưa hề chết đi mà ngày càng được nung nấu theo thời gian.
Hồi năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố đã đến lúc TQ vươn lên, giàu có và mạnh mẽ, trở thành nước tiên phong cho những quốc gia đang phát triển khác. Ông còn cam kết đến năm 2049 TQ sẽ trở thành lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế, cũng như sẽ xây dựng một trật tự quốc tế ổn định mà ở đó TQ sẽ phục hưng.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg, GS Hal Brands thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) nhận định Bắc Kinh có lẽ nhận thấy các thể chế quốc tế đang suy yếu dần vì chính sách tự cô lập của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Do đó, việc TQ cởi mở về kế hoạch xây dựng “trật tự quốc tế ổn định” là cách để nước này thu phục những đối tác, đồng minh Mỹ đang bất mãn với ông Trump.
“Có rất ít dấu hiệu cho thấy chân trời chiến lược của Bắc Kinh chỉ giới hạn ở phía tây Thái Bình Dương hay thậm chí là châu Á. Lời kêu gọi của ông Tập cho thấy tham vọng tạo ra tầm ảnh hưởng toàn cầu của TQ” - GS Brands nhận định.
NATO kêu gọi phản kháng hành vi bắt nạt của Trung Quốc Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 8-6 đã ra lời kêu gọi 30 thành viên của liên minh này ra sức bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp trước những thách thức từ TQ và Nga, tờ The Financial Times cho hay. “Sự trỗi dậy của TQ làm gia tăng gấp nhiều lần mối đe dọa đối với các xã hội mở và tự do cá nhân, tăng cường sự cạnh tranh đối với các giá trị và lối sống của chúng ta” - ông Stoltenberg khẳng định. Mặc dù đưa ra cảnh báo nhưng ông Jens Stoltenberg nói rằng liên minh không coi TQ là kẻ thù. Ông vẫn lưu ý cần sẵn sàng để đối phó với các thách thức từ quốc gia này. |
Tác giả bài viết: VĨ CƯỜNG
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 01
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM
CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Gia Lai: Kết nối Đầu tư, XT-TM Huyện Chư Puh cùng Hiệp hội Trang...
- Xe Khách Petro Bình Phước - Limousine Bình Phước
- CLB Golf Doanh Nhân Bình Dương với Giải Golf hứa hẹn nhiều dấu ấn