Thành ổ COVID-19 thứ ba thế giới, Mỹ phải đổi chiến lược

Chủ nhật - 22/03/2020 21:54
Trước tình trạng khan hiếm nghiêm trọng trang thiết bị y tế và kit xét nghiệm, chính quyền Mỹ phải tiến hành thay đổi cách tiếp cận trong công tác phòng, chống dịch để đủ khả năng cầm cự trong nhiều tháng tới.

Đài CNBC ngày 22-3 dẫn số liệu từ ĐH Johns Hopkins ghi nhận Mỹ đã có hơn 26.000 ca nhiễm COVID-19 và khoảng 300 ca tử vongcao thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc (TQ) và Ý. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal ước tính số ca COVID-19 của Mỹ đã tăng gần gấp 10 lần trong tuần qua.

Tổng cộng đã có năm bang áp dụng biện pháp giới hạn đi lại được xem là “chưa có tiền lệ” để kìm hãm dịch bệnh, bao gồm New Jersey, California, New York, Illinois và Connecticut. Với các động thái này, hiện cứ bốn người Mỹ thì một người phải ở nhà vì các biện pháp ngăn dịch COVID-19 lây lan. 45 bang của Mỹ cũng đã cho đóng cửa trường học, quán bar và nhà hàng.

Dừng xét nghiệm trên diện rộng

Trước tình thế cực kỳ nguy cấp, nhà chức trách Mỹ buộc phải thay đổi phương thức đối phó với COVID-19 trong điều kiện và nguồn lực hiện tại. Thay vì xét nghiệm cho cả cộng đồng thì với nguồn tài nguyên y tế có hạn, nhiều quan chức y tế tại các bang và thành phố lớn đang kêu gọi người dân có triệu chứng nhẹ không đến xét nghiệm COVID-19 nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở khám chữa bệnh.

“Không phải người Mỹ nào cũng cần xét nghiệm. Khi một người dân được xét nghiệm, chúng tôi phải cho họ dùng các trang thiết bị y tế cá nhân, vốn cần cho các nhân viên y tế đang chăm sóc cho bệnh nhân đã được xác nhận nhiễm COVID-19 hơn” - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci khẳng định.

Ông Fauci cùng nhiều quan chức khác trong nhóm công tác đặc biệt ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là để dành nguồn cung vật tư y tế vốn đang khan hiếm cho các y, bác sĩ. Ông cũng đề nghị các bác sĩ nếu cần thiết thì hoãn cả các ca phẫu thuật không cấp thiết để tập trung chống dịch, đồng thời tuyên bố Mỹ đang nỗ lực khắc phục tình trạng phân bổ thiết bị bảo hộ cá nhân không đồng đều.

Giới chức y tế bang New York, California hôm 21-3 cũng đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm mới, ưu tiên cho nhân viên y tế và nhóm người có nguy cơ tử vong vì dịch cao nhất nhằm tiết kiệm kit xét nghiệm và thiết bị bảo hộ, thừa nhận cuộc chiến khống chế số ca nhiễm COVID-19 đã thất bại và nước Mỹ đang chuyển sang giai đoạn ứng phó mới với đại dịch.

“Trong tình cảnh khẩu trang và đồ bảo hộ đang dần trở nên khan hiếm, mỗi lần xét nghiệm cho một người không thực sự cần, những người phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt lại thiếu thêm thiết bị” - Phó Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế và sức khỏe tâm thần TP New York Demetre Daskalakis cho biết.

Thành ổ COVID-19 thứ ba thế giới, Mỹ phải đổi chiến lược - ảnh 1
Nhân viên y tế khử trùng một khách sạn ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 19-3. Ảnh: ABC

Tự cách ly là giải pháp hàng đầu

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng các nhà dịch tễ học Mỹ Jeff Engel cho rằng đã đến lúc nước Mỹ thay đổi chiến lược sàng lọc COVID-19. “Nếu có triệu chứng nhẹ, bạn nên ở nhà và đừng đi xét nghiệm. Bạn không chỉ gây nguy hiểm cho người khác khi ra ngoài, mà còn lãng phí tài nguyên quý giá cần thiết để bảo vệ xã hội” - ông Engel giải thích.

Nhiều hạt và bang khác ở Mỹ cũng đưa ra thông điệp tương tự. Giới chức y tế hạt Los Angeles hôm 20-3 đã ra thông báo khuyến cáo bác sĩ từ bỏ chiến lược xét nghiệm để kiểm soát sự bùng phát của COVID-19, chỉ xét nghiệm cho bệnh nhân nếu kết quả dương tính với COVID-19 có thể giúp họ khỏi bệnh nhanh hơn.

Khuyến cáo này phản ánh “sự thay đổi từ chiến lược kiểm soát số ca nhiễm sang làm chậm tốc độ lây lan của dịch và ngăn chặn tỉ lệ nhiễm bệnh, tử vong quá mức” - thông báo cho biết.

Theo nội dung bản hướng dẫn, việc xét nghiệm COVID-19 tại các phòng thí nghiệm công của hạt Los Angeles sẽ ưu tiên cho những người có triệu chứng, nhân viên y tế, người sống tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn, nhân viên cứu thương và những người có nguy cơ cao. Người dân bình thường được khuyến khích chỉ cần ở yên tại nhà.

Sở Y tế New York cũng chỉ thị toàn bộ cơ sở y tế ngừng lập tức việc xét nghiệm những bệnh nhân chưa phải nhập viện vì COVID-19. Chỉ thị cho rằng nhu cầu xét nghiệm không cần thiết vào thời điểm này đang góp phần làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn thiết bị bảo hộ cá nhân và suy giảm nguồn cung các dụng cụ xét nghiệm. “Việc xét nghiệm có thể đóng vai trò quan trọng hơn sau khi dịch đạt đỉnh” - chỉ thị viết.

Giới chức hạt Sacramento thuộc bang California yêu cầu cư dân không ra ngoài nếu không cần thiết nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch, bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, cũng như các nhân viên y tế đang nỗ lực điều trị cho ca bệnh nặng.

Tương tự, bang Washington cũng thông báo người dân chung tay dành nguồn lực cho nhân viên y tế và ca bệnh nặng. “Chúng tôi muốn cộng đồng hiểu rằng không thể xét nghiệm cho tất cả, đặc biệt là người có triệu chứng nhẹ hoặc chưa xuất hiện triệu chứng” - một quan chức của bang này chia sẻ.

Tính đến 20 giờ ngày 22-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 13.334 người tử vong vì COVID-19, 297.300 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 89.312 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. 

Đẩy nhanh gói kích cầu kinh tế

Trả lời đài Fox News hôm 21-3, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết chính quyền Washington có thể phân bổ hơn 2.000 tỉ USD để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Theo ông Kudlow tiết lộ, quy mô của gói viện trợ trị giá ít nhất là 1.400 tỉ USD, đồng thời chính phủ vẫn có thể tiếp tục bơm đến 2.000 tỉ USD để hỗ trợ một số ngành công nghiệp. Quan chức này nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ sẵn sàng phân bổ 10% GDP để khắc phục hậu quả của đại dịch.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi yêu cầu về gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 46 tỉ USD lên Quốc hội để giúp chính phủ chống lại dịch bệnh. Trong gói hỗ trợ trên, 15 tỉ USD sẽ được dành cho dịch vụ chăm sóc y tế cho khoảng 9 triệu cựu chiến binh, nhiều người trong số họ là người cao tuổi dễ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, 8 tỉ USD khác dành cho quỹ ứng phó khẩn cấp của Lầu Năm Góc, một quỹ 3 tỉ USD dưới sự kiểm soát trực tiếp của ông Trump cho các trường hợp khẩn cấp không thể lường trước và 475 triệu USD cho hoạt động giúp đảm bảo các tòa nhà liên bang an toàn hơn.

Nhận cảnh báo COVID-19 từ đầu năm, ông Trump xem nhẹ?

Tờ The Washington Post ngày 21-3 dẫn nhiều nguồn tin nội bộ tiết lộ báo cáo từ các cơ quan an ninh Mỹ đầu tháng 1-2020 đã cảnh báo về khả năng COVID-19 sẽ bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Tuy không nói rõ dịch có lây lan qua Mỹ hay không nhưng báo cáo này cũng nhấn mạnh chính quyền TQ đã đánh giá thấp đại dịch và Washington được khuyến cáo nên bắt đầu có các biện pháp dự phòng.

Dù vậy, The Washington Post cho rằng Tổng thống Trump cũng như các nghị sĩ Mỹ ban đầu đã xem nhẹ mối đe dọa từ COVID-19 đối với người Mỹ và không có hành động kịp thời nhằm ngăn chặn dịch lây lan cho đến khi quá muộn. Mãi đến ngày 13-3, Tổng thống Trump mới ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây