Du lịch đóng băng: Sếp không lãnh lương, nhân viên cầm cự

Thứ ba - 24/03/2020 22:16
“Là người đứng đầu công ty, tôi vẫn đi làm bình thường nhưng không nhận lương” - giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM chia sẻ.

Nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam từ ngày 22-3. Bên cạnh đó, hàng loạt địa phương thông báo tạm dừng đón khách hoặc đóng cửa các khu du lịchvui chơi giải trí.

Trước tình hình trên, các công ty du lịch đành bóng băng cả du lịch nội địa lẫn nước ngoài. Song song đó, từng công ty đang cố gắng xoay xở để vượt qua khó khăn, chờ dịch được kiểm soát.

Đóng cửa chờ qua dịch

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết: Ngày 22-3, công ty phục vụ đoàn 40 khách nước ngoài cuối cùng. Từ ngày 23-3, công ty chính thức đóng cửa, tạm dừng hoạt động trong vòng sáu tháng.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu sụt giảm mạnh. Dù chúng tôi có quỹ dự phòng nhưng chỉ cầm cự được vài tháng. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và kéo dài, chúng tôi nhận thấy không thể cầm cự nổi nữa nên phải tạm dừng hoạt động, chờ hết dịch” - ông Lâm ngậm ngùi.

Theo ông Lâm, dù tạm đóng cửa nhưng công ty vẫn phải gánh nhiều loại chi phí. Ví dụ, mỗi tháng công ty phải trả chi phí neo đậu tàu 220 triệu đồng. Chưa kể công ty còn tốn khá nhiều chi phí để bảo dưỡng tàu, chi phí thuê người trông coi tàu.

Hiện nay Đông Dương có khoảng 100 người lao động, trong đó có 60 nhân viên hợp đồng chính thức, còn lại làm theo thời vụ. Do bất khả kháng nên nhiều nhân viên chấm dứt hợp đồng. “Sau dịch, khi hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ tái ký hợp đồng với người lao động” - ông Lâm cho hay.

Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Hoàng Đức Huy cũng thông tin: Từ khi dịch xảy ra đến nay, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu nên công ty chủ động dừng các tour, tuyến trong và ngoài nước. Không có nhiều việc làm nên công ty phải tạm thời cắt giảm 60% nhân sự. Trong đó một số nhân viên sẽ về làm việc ở một số trang trại của công ty tại Đà Lạt, những người còn lại sẽ luân phiên làm việc để không ai phải ở nhà.

“Đối với những nhân viên muốn về quê chờ hết dịch rồi trở lại làm việc, công ty vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ. Đây cũng là chính sách giữ nhân sự sau khủng hoảng của chúng tôi. Riêng lãnh đạo công ty cũng đang đi làm chỉ nhận lương cơ bản để cùng chia sẻ với nhân viên lúc khó khăn như thế này” - ông Huy chia sẻ.

Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, Phó Trưởng Nhóm kích cầu du lịch nội địa thuộc Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đánh giá hiện nay ngành du lịch trong nước hầu như ngưng trệ, đóng băng. Một số tỉnh, thành đã yêu cầu ban quản lý các di sản thế giới, khu danh thắng, di tích quốc gia trên địa bàn… tạm dừng đón khách. Do vậy, nhiều công ty lữ hành buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, đồng thời cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương nhân viên.

“Hiện nay công ty tôi vẫn hoạt động nhưng chỉ có ban giám đốc, kế toán trưởng, trưởng bộ phận kinh doanh, bảo vệ... làm việc. Còn nhân viên thì tạm nghỉ và hằng tháng được trợ cấp khoảng 50% lương tổng thu nhập” - ông Dũng kể.

Du lịch đóng băng: Sếp không lãnh lương, nhân viên cầm cự - ảnh 1
Trước tác động của dịch bệnh, doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong ảnh: Khách nước ngoài mang khẩu trang tham quan TP.HCM chiều 24-3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Làm lại từ đầu

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết trong giai đoạn dừng hoạt động công ty sẽ nâng cấp trang thiết bị, tính toán lại sản phẩm cho hoàn thiện để sau khi dịch được kiểm soát sẽ thu hút khách quay lại.

Ông Lâm nói: “Tôi xem giai đoạn sau dịch giống như khởi nghiệp trở lại. Lý do là khác với những ngành khác, du lịch khó hồi phục ngay sau dịch vì tâm lý du khách còn e ngại nên sẽ mất nhiều thời gian hơn. Trong lúc khó khăn như hiện nay, tôi mong muốn được giảm 30%, 50%, 70% phí neo đậu tàu, còn những chi phí khác chúng tôi có thể gồng mình lo liệu được”.

Tương tự, theo ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, trước tình hình khó khăn, công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng hồi phục khi dịch đi qua. Đơn cử như công ty tập trung tổ chức công tác đào tạo nhân sự, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, thị trường mới... “Chúng tôi xác định đây là giai đoạn ngủ đông, giảm các hoạt động chứ không phải ngừng hẳn” - ông Huy nói.

Đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị để giúp các đơn vị lữ hành chống chọi khó khăn cũng như sớm phục hồi hoạt động sau khi ngăn chặn dịch bệnh, Nhà nước nên triển khai gấp gói hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp... Tuy nhiên, các giải pháp cần triển khai đồng bộ và không nên phân biệt công ty lớn, công ty nhỏ hoặc giải quyết ưu tiên cho đơn vị lớn trước, đơn vị nhỏ sau.

“Lâu nay các công ty lữ hành đều đóng góp cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng thuế, phí... Do vậy, không nên phân biệt khi hỗ trợ” - đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM nêu quan điểm.

Cố gắng không sa thải nhân viên

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho hay dù tạm ngưng kinh doanh nhưng hiện nay công ty không cắt giảm nhân sự mà luân phiên công việc để đảm bảo không có người lao động nào phải nghỉ.

“Là người đứng đầu công ty, tôi vẫn đi làm bình thường nhưng không nhận lương. Đây là một trong những giải pháp để chúng tôi cố gắng duy trì, cầm cự, tiếp tục vượt khó trong mùa dịch này” - ông Thành nói.

Đề xuất miễn, giảm thuế cho du lịch

Bộ VH-TT&DL vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, quý II và quý III-2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV-2020 và quý I-2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như giảm lãi suất vay từ 3%/năm, đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới…

Sở Du lịch TP.HCM cho hay: Trong ba tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 38,81% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch TP ước đạt 27.055 tỉ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây