Thủ tướng: Làm tốt cách ly xã hội sẽ không có đỉnh dịch

Thứ hai - 06/04/2020 21:09
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý không sớm say sưa, chủ quan trước các diễn biến mới của dịch nhưng tin tưởng đất nước sẽ vượt qua đỉnh dịch.

Chiều 6-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Không chủ quan nhưng tin đất nước sẽ vượt qua dịch

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin, những người ở tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng cũng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh…

Ông cũng biểu dương tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người khó khăn.

Kết quả này là sức mạnh của tinh thần trên dưới một lòng, anh em đồng chí đoàn kết, người dân góp công, góp sức cùng Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đây là thử thách rất lớn để đất nước ta có thể làm được những việc lớn hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2.

Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn, xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội để giữ vững thế chủ động chống dịch.

Thủ tướng: Làm tốt cách ly xã hội sẽ không có đỉnh dịch - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Bốn việc lớn của giai đoạn 3

Theo Thủ tướng, chiến lược - chiến thuật phòng, chống dịch trong giai đoạn 3 hiện nay “gói” trong bốn việc: Tiếp tục giãn cách xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Bốn việc được thực hiện theo phương châm và hướng đích là: “Khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Từ nay đến ngày 15-4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ hai lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.

Thủ tướng cho rằng những kinh nghiệm trên là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ hai của dịch bệnh.

Không để phóng viên, nhà báo bị phơi nhiễm

Nhân đây tôi cũng nhấn mạnh một ý, phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những phóng viên chiến trường, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế phải quan tâm tạo điều kiện bảo vệ anh em không bị phơi nhiễm dịch.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của hai ổ dịch ở TP.HCM và Hà Nội.

Thủ tướng cũng lưu ý việc tập trung đông người ở nơi thờ tự, tôn giáo có thể là nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng, phải chủ động ngăn chặn để tránh lây lan. Phải chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống.

Các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

“Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân dân” - Thủ tướng khẳng định.

Từ đó, Thủ tướng lưu ý các địa phương có dịch xuất hiện thì cần đẩy mạnh xét nghiệm sớm nhất cho người có nguy cơ nhiễm bệnh. Các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, lượng công nhân đi làm đông cần thực hiện nghiêm việc ngăn ngừa lây nhiễm, bảo đảm đầy đủ dụng cụ phòng hộ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao, các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch sớm nhất đón các công dân Việt Nam còn mắc kẹt ở một số sân bay về nước.

Ông yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15-4. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, các cơ quan liên quan có đề xuất cụ thể với Thủ tướng. Tùy theo tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương mới về vấn đề cách ly xã hội.

Chuẩn bị ngay cho phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch

Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng lưu ý cần chuẩn bị ngay chương trình toàn diện phục hồi kinh tế - xã hội đất nước sau dịch.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc, cần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn. Chúng ta cần phải biết được khó khăn của người dân bằng nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để có sự hỗ trợ kịp thời.

Thủ tướng cho rằng đại dịch gây ra nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng cũng có những cơ hội, cần tập trung khai thác. Đó là đổi mới phương thức hoạt động, những ngành công nghiệp và dịch vụ mới, có thể đó là những quyết định mạnh mẽ cho những vấn đề mà bấy lâu nay ta đang cân nhắc. Hay cũng có thể là những thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ về công tác cách ly

Chiều 6-4, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP.HCM cam kết nỗ lực ở mức cao nhất để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19”.

Theo ông Phong, tuy công tác chống dịch đạt kết quả bước đầu nhưng sẽ còn nhiều thách thức, không loại trừ việc mất dấu những ca nhiễm bệnh (F0) như khuyến cáo của các chuyên gia. Do đó, để TP.HCM chủ động trong công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân, TP kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục các hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch để hạn chế hoặc cấm xuất khẩu.

Mặt khác, từ thực tế vừa qua một số người dân TP.HCM đến các địa phương khác bị cách ly 14 ngày và phải trả phí, ông Phong kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo thống nhất trong cả nước về công tác cách ly khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác.

TÁ LÂM 

 

 
THU NGUYỆT - TÁ LÂM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây