‘50% doanh nghiệp sẽ phá sản’: Cần hành động khẩn cấp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa khảo sát nhanh tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đánh giá rằng “tác động đó là rất nghiêm trọng”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch VCCI, nói: “Theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì có tới gần 30% số doanh nghiệp (DN) chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá ba tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm”.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông bình thường
. Phóng viên: Thưa ông, nhưng Việt Nam đang kiểm soát tương đối tốt sự lây lan của COVID-19?
+ TS Vũ Tiến Lộc: Mặc dù không được chủ quan nhưng chúng tôi đề nghị trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông tiến hành bình thường. Dĩ nhiên với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chúng tôi cũng cho rằng Chính phủ cần bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa, dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa.
. Nhưng Chính phủ và Thủ tướng từng tuyên bố phải duy trì mục tiêu kép, tức là vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển và đương nhiên cũng có những quy định cụ thể, thưa ông?
+ Vấn đề là các địa phương lại đang có cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đơn cử như không cho phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, đình chỉ hoạt động của DN sản xuất, đình chỉ việc thi công của công trường xây dựng.
Mặt khác, hiện nay các DN sản xuất và kinh doanh theo chuỗi nên tất cả khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau. Như vậy cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, không thể xử lý cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng.
Bởi vậy, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần phải có kịch bản và quy định rõ ràng cho các DN để tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, DN khi không cần thiết.
Doanh nghiệp có thể phá sản trước khi chính sách được áp dụng
. Vừa rồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghị định về giãn thuế và tiền thuê đất cho những DN, tổ chức, cá nhân ảnh hưởng vì COVID-19. Ông nghĩ sao?
+ Tôi nghĩ ngoài vấn đề đó, có lẽ các cơ quan có thẩm quyền nên tính đến việc tạm hoãn ngay việc nộp các khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể. Bởi quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng.
Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí…, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư về cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay và các ngân hàng thương mại cũng hưởng ứng tốt, thưa ông?
+ Đúng. Nhưng các DN cũng đang đề nghị có mức giảm sâu lãi suất thêm 2%-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4%-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2%-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau. Đồng thời, xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay lãi suất thấp.
Du lịch là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Minh bạch, tránh cơ chế xin-cho
. Dù tác động của COVID-19 là nghiêm trọng nhưng mức độ đối với mỗi ngành là khác nhau.
+ Có lẽ du lịch và logistics là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng cần cho phép ngành du lịch dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch, trước mắt cho năm 2020. Nghiên cứu giảm tiền thuê đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Đối với logistics, chúng tôi đề xuất giảm phí cảng biển về mức 50% trong năm 2020 và đề nghị Bộ GTVT làm việc với các hãng tàu nước ngoài yêu cầu giảm thu các phụ phí quá cao và bất hợp lý như hiện nay. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ đề nghị giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT.
Hàng triệu lao động nguy cơ mất việc Khảo sát của VCCI cho thấy trên 75% số DN báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây. |
. Từ đầu dịch COVID-19 đến giờ, Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị và mới đây nhất là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng.
+ Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thực thi và giám sát thực hiện các chính sách và nhiệm vụ được giao. Để đạt được điều đó thì cần phải bảo đảm công khai, minh bạch đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình hỗ trợ DN, tránh việc lợi dụng chính sách, cơ chế xin-cho hoặc gây khó khăn, phiền hà cho DN.
Thực hiện minh bạch thông tin, quy trình, giải trình tiến độ thực hiện các giải pháp tương tự như thông tin, quy trình chống dịch.
. Về phía cộng đồng DN, ông có khuyến nghị gì?
+ Các DN cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển. Các DN cần tái cấu trúc DN, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành; đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển DN trong hiện tại và tương lai…
Cuối cùng là cần chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch. Trong đó nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.
Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN thực hiện
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 11
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : VŨ THỊ HẢI YẾN
Công ty TNHH GFS Việt Nam
-
Hội viên : DƯƠNG QUỐC KHÁNH
Công ty CP CN Thiết Bị Dịch Vụ Môi Trường Ánh Thủy
-
Hội viên : NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Công ty TNHH thương mại sản xuất nệm Kim Cương
-
Hội viên : ĐÀO MINH SÁNG
Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa F.C.I
-
Hội viên : DƯƠNG QUANG NHẬT
Công Ty TNHH Thực Phẩm IZEN
-
Hội viên : NGUYỄN HOÀNG ANH
Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ BCB
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ...
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Tổng giám đốc WTO: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển...
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Beta Solution: Nhà phân phối chính thức của Donaldson và INGERSOLL...