GWEC: Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi khu vực Châu Á

Thứ sáu - 12/11/2021 03:48
Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) nhận định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi mới ở trong khu vực Châu Á trong thời gian tới.

Điện gió ngoài khơi đang nổi lên là một giải pháp năng lượng chạy nền hiệu quả, giúp Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan. Chủ đề của phiên hội thảo chuyên đề 4 ngày 10/11 là “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia nhận định tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới khi các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh. Trong bối cảnh này, điện gió ngoài khơi đang nổi lên là một giải pháp năng lượng chạy nền hiệu quả, giúp Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.

Ngân hàng Thế giới cho biết với lợi thế đường biển dài hơn 3.200 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi ổn định, ở mức cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100 m đạt hơn 7-10 m/giây, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đạt gần 500 GW, trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong khu vực và trên thế giới.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC, đánh giá điện gió ngoài khơi không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng mới cho Việt Nam mà ngành công nghiệp năng lượng mới này còn tạo ra hàng trăm nghìn công việc mới. Theo kịch bản phát triển cao của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035 sẽ có khoảng 700.000 công việc được tạo ra nhờ các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đáng chú ý, 40% số việc được tạo ra đến từ việc xuất khẩu điện gió từ Việt Nam đến các quốc gia khác trong khu vực.

Đồng thời, các thế mạnh trong lĩnh vực dầu khí, đóng tàu… giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi so với nhiều quốc gia khác trong khu vực để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi bền vững. Việc đẩy mạnh phát triển các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều ngành công nghiệp khác và tận dụng các lợi thế nội địa của Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson cũng cho biết Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo rất quan trọng với cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng không vào năm 2050, điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và hiện đại hóa của Việt Nam.

Với nhận định Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành quốc gia đi đầu ở khu vực Đông Nam Á trong phát triển điện gió, ông Mark Hutchinson khuyến nghị Việt Nam cần có cơ chế chính sách phù hợp cũng như một lượng lớn vốn đầu tư để khởi động ngành công nghiệp còn non trẻ này, trong đó tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng, đào tạo nhân sự, xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng nói chung cho điện gió ngoài khơi.

Nhằm đảm bảo phát triển và thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi, GWEC có một số đề xuất cho Chính phủ Việt Nam. Ban đầu, Việt Nam nên áp dụng mức giá điện hỗ trợ FiT đối với 4 – 5 GW điện gió. Sau đó, Việt Nam sẽ thiết kế cơ chế giá chuyển đổi phù hợp sang hình thức đấu giá và có đủ thời gian để đảm bảo các dự án điện gió ngoài khơi có giá bán điện theo hợp đồng mua bán điện PPA có khả năng vay vốn.

Tiếp theo, Việt Nam cần thông báo trước tối thiểu hai năm đối với những thay đổi lớn về chính sách và đảm bảo thực hiện tham vấn để tối đa hóa tính minh bạch. Mặt khác, Việt Nam cần tiến hành các nghiên cứu về lưới, cấp phép, quy hoạch không gian biển cũng như nghiên cứu chi tiết về thiết kế đấu giá.

Duy Quang

Nguồn tin: tapchicongthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây