Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động mọi nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu - 12/11/2021 03:58
Sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết thúc phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ kéo dài 2,5 ngày qua...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội sáng ngày 12/11 - Ảnh: VGP

Trước phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình một số nội dung trước Quốc hội.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ, nhất là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đồng tình ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ xin trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để từ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ĐẠI DỊCH

Trong bài phát biểu tại Quốc hội sáng ngày 12/11, Thủ tướng tập trung làm rõ thêm các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn các Bộ trưởng hơn 2 ngày qua.

Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu rõ tình hình tháng 10 đã có những chuyển biến tích cực và nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước, sau khi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 12/11 - Ảnh: Quochoi..vn

Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.

“Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước”, Thủ tướng cho biết. “Đồng thời, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro.

Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động.

Các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch Covid-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro”, Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh.

HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Đề cập tới các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, góp phần duy trì, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: Quochoi.vn

Ông cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”, Thủ tướng nêu rõ. “Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp”.

Theo Thủ tướng, các chương trình, chính sách sẽ tập trung hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, còn những hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, Trong đó, nguyên nhân chủ quan là cơ bản của cả chính quyền trung ương và địa phương.

Thủ tướng cam kết sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, thúc đẩy triển khai đúng quy trình, quy định, bảo đảm kịp thời, tránh tiêu cực, lãng phí...; không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình, thủ tục cần thiết, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Tháo gỡ ngay vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ khẩn trương xây dựng và ban chương trình kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa lại trường học, đẩy nhanh tiêm vacine phòng Covid-19 cho trẻ em…

Quang Trung

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây