Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ năm - 10/06/2021 00:43
Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ khiến Bình Thuận đang trở thành tâm điểm đầu tư với hàng loạt dự án du lịch đang được triển khai...
Bình Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói.
Bình Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói.


Bình Thuận đủ sức níu chân du khách nhờ những bãi cát vàng, bờ biển dài và thiên nhiên trù phú. Tuy nhiên, vì cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, định hướng không rõ ràng cùng nguồn lực hạn chế, "điểm sáng du lịch" hay "thủ phủ resort" vẫn là viễn cảnh mơ hồ, ít người dám tưởng tượng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, làn sóng rót vốn các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước khiến bộ mặt địa phương thay đổi từng ngày.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CÓ TRỌNG TÂM

Hiện nay, vốn đầu tư tư nhân tại Bình Thuận là trên 2 tỷ USD, thu hút khoảng 200 dự án, trên 100 dự án đang huy động vốn. Tỉnh có những dự án đầu tư công trọng điểm giúp kết nối giao thông giữa các trung tâm kinh tế với Bình Thuận và dự kiến hoàn thiện trong tương lai gần. Chỉ 2 năm nữa, người dân mất khoảng dưới 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ Tp.HCM ra Phan Thiết qua cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Những nỗ lực xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đã góp phần biến làng chài yên bình bên biển xanh trở thành khu du lịch sang trọng, thu hút hàng triệu lượt khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho thấy, năm 2019 toàn tỉnh đón hơn 6,4 triệu lượt khách, tăng 11,39% so với 2018. Trong đó khách quốc tế khoảng 775.000 lượt. Doanh thu từ khách du lịch đạt 15.110 tỷ đồng, tăng 17,5%.

Năm qua, nền du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Tuy nhiên toàn tỉnh vẫn đón khoảng 3 triệu lượt khách, một con số khả quan. Bước sang năm 2021, ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến Bình Thuận "an toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng". Đồng thời đặt mục tiêu đón khoảng 6,5 triệu lượt khách trong năm nay, tổng thu 15.500 tỷ đồng.

Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1
 


Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa đã ký ban hành kế hoạch thực hiện đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Từ đề án này, Bình Thuận hy vọng sẽ trở thành địa phương trung tâm về du lịch - thể thao biển của Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đây sẽ là bước đột phá để tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Từ đó sẽ có một Bình Thuận đồng đều cả về 2 mặt du lịch và thể thao.

Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: “Chậm nhất đến năm 2025 Bình Thuận sẽ đưa vào hoạt động được 3 bến du thuyền và 1 sân golf. Các địa phương từ cấp huyện, thị xã, thành phố ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và phải có ít nhất 1 sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển”.

ĐÓN ĐỢI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Nhìn một cách tổng thể của đề án, các điểm đến gắn với phát triển du lịch - thể thao biển như Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong) đến Khu du lịch Cam Bình (La Gi) với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tùy theo vị trí, thế mạnh về thiên nhiên, khí hậu ưu điểm của từng vùng mà phát triển phù hợp các hoạt động thể thao biển giải trí như: Lặn biển, câu cá, tàu đáy kính...

Thậm chí, Bình Thuận cũng có nhiều điều kiện thuận lợi cho các bộ môn thể thao trên cạn như bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, bóng ném bãi biển, chạy việt dã... Các môn thể thao giải trí trên biển, lặn biển, mô tô nước (Jetski sport), trượt nước (Waterski), dù lượn, ván chèo đứng (SUP Race)... và các hoạt động thể thao giải trí khác.

Nếu xét về cơ sở vật chất, Bình Thuận cũng có nhiều thuận lợi, khi có Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (cơ sở II) và nhiều dự án, công trình thể thao được các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng sớm đưa vào hoạt động phục vụ tổ chức các hoạt động thể thao biển gắn với phát triển du lịch: Novaworld Phan Thiết (Ocean Valley), FLC Phan Thiết (FLC Group)...

Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2
 


Do đó, Bình Thuận khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án, công trình thể thao, đặc biệt bến du thuyền nhằm tạo ra sản phẩm du lịch - thể thao biển độc đáo, hiện đại để có thể đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế.

Với sự phát triển của hạ tầng và sự tham gia đầu tư của nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu, Bình Thuận cũng có tiềm năng phát triển mạnh các loại hình như du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch thể thao và đặc biệt là du lịch golf. Trong đó, du lịch golf hứa hẹn góp phần nâng cao vị thế cho du lịch địa phương, cung cấp sản phẩm du lịch phong phú hơn, cao cấp hơn, giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đem lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm và hàng loạt lợi ích kinh tế xã hội khác.

Các chuyên gia nhận định, với sự ưu ái của thiên nhiên cùng chiến lược phát triển bài bản, quy hoạch lâu dài, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, Bình Thuận đang đứng trước rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Tuệ Mỹ

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây