Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán phải sắc sảo, quyết liệt hơn

Thứ ba - 14/09/2021 03:19
Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Tổng kiểm toán nhà nước về công tác năm 2021.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp sơ bộ đến 31/8 có 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 52.000 tỉ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.

Trong 8 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỉ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%). Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đơn vị Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến.

Công khai đơn vị không thực hiện kết luận kiểm toán

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban này đánh giá tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước năm 2021 thấp hơn so với các năm trước.

Vì vậy, ông đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước qua từng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Điều đáng lưu ý là 3 năm trở lại đây thì tỷ lệ này đều thấp (năm 2018 là 51,3%, 2019 là 53,9%; 2020 là 49,9%).

"Câu chuyện này nói nhiều năm, tôi đề nghị phải lưu ý vấn đề này. Ủy ban Tài chính ngồi lại cùng với Kiểm toán để có giải pháp", bà Nga đề nghị.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một trong những giải pháp là công khai đơn vị không thực hiện kết luận kiểm toán, báo cáo Quốc hội danh sách rõ ràng những đơn vị nào không thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Cùng với đó, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Bà Nga băn khoăn khi báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý một vụ, trong khi báo cáo thẩm tra nói chuyển 5 vụ.

"Một vụ hay 5 vụ thì chúng tôi thấy là số chuyển cơ quan điều tra rất ít, có biểu hiện thiên về xử lý hành chính và có biểu hiện hơi nhẹ trong việc này. Tôi đề nghị kiểm tra lại số liệu. Tại sao sai phạm nhiều mà chuyển cơ quan điều tra lại ít thế?", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ thêm chỗ này.

Ngoài ra, bà Nga cũng lưu ý, báo cáo có nêu đánh giá kết quả thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước nhưng chưa đầy đủ và còn mờ nhạt. Vì vậy, bà đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá thêm nội dung này và báo cáo rõ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Mạnh dạn chấn chỉnh bằng nhiều hình thức

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác kiểm toán cần phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và "sắc sảo" hơn, thậm chí phải trách nhiệm và quyết liệt hơn. Nếu có vấn đề phát hiện trong kiểm toán thì mạnh dạn chấn chỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật.

Lưu ý cần phải công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội nói: “Dường như gần đây hoạt động công khai chưa được như kỳ vọng. Công khai là vũ khí rất quan trọng của kiểm toán".

Điều đó sẽ tạo sức ép công luật rất lớn để siết kỷ cương tài chính, ngân sách để thực hiện các kết luận của kiểm toán. Hơn nữa, khi công khai thì người dân, xã hội cũng giám sát được các hoạt động kiểm toán. Vì vậy, ông đề nghị Kiểm toán Nhà nước có biện pháp công khai minh bạch các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về kế hoạch năm 2022, Chủ tịch Quốc hội lưu ý mục tiêu chung vẫn phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Trong đó, đặc biệt, cần phải tập trung làm rõ tổng mức cơ cấu, chất lượng của tín dụng. Trong đó còn có cơ cấu theo khách hàng. Chỉ cần một khách hàng, tập đoàn, DN nào đó nợ quá nhiều, lâm vào tình trạng đổ vỡ thì tác động dây chuyền...

"Lúc ở Chính phủ, chúng tôi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước định kỳ báo cáo, anh nào có số dư 5.000 - 10.000 tỉ trở lên phải báo cáo, cả công ty con, công ty trực thuộc cũng phải báo cáo. Vay nhiều quá, nợ nhiều quá, dòng tiền ách tắc sẽ gây hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế", ông Vương Đình Huệ nêu kinh nghiệm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề: "Có hay không việc sử dụng tín dụng tiêu dùng cho mục đích kinh doanh chứng khoán, bất động sản?" và yêu cầu phải làm rõ, việc nóng lên của các thị trường này, nhất là chứng khoán nóng cả năm, bất động sản đầu năm 2021 nhiều lúc rất sốt.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ việc sử dụng nguồn quỹ dành cho cải cách tiền lương cho đầu tư xây dựng cơ bản trong khi nguồn quỹ này chưa đảm bảo. "Các đồng chí nói còn đủ nguồn để cải cách tiền lương. Nhưng ai chịu trách nhiệm về câu còn đủ nguồn ấy? Các đồng chí phải làm rõ trong mục tiêu kiểm toán", ông Huệ nói.

Về kiểm toán ngân sách 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

"Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mẫu đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào, một mẫu PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều", ông dẫn chứng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội phải tính toán để xác định đó là một trong những mục tiêu của kiểm toán trong năm nay.

Đồng thời phải xem trọng điểm kiểm toán 2022 là đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không...

Thu Hằng

Nguồn tin: baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 10

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây