Thị trường không thể đợi 'đóng - mở cửa' nền kinh tế để chống dịch

Thứ sáu - 17/09/2021 00:00
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới. Nếu không kịp thời có một chương trình thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện, kinh tế có thể suy giảm đến quá ngưỡng có thể phục hồi. Khi đó, quá trình phục hồi kinh tế sẽ rất chậm và đau đớn.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Qua bốn đợt sóng Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, đa số doanh nghiệp đã bị bào mòn "sức khỏe" và trở nên kiệt quệ. Trong báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã chỉ ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trong nhiều ngành sản xuất. Đó là chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như: điện, điện tử, máy móc, thiết bị,…đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…Đặc biệt, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ôtô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động.

Chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản bị đứt gãy do lao động chịu cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông. Nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra và khó vận chuyển, dẫn đến đứt gãy.

Chuỗi cung ứng nông, thủy sản đối mặt nguy cơ đứt gãy do lao động bị cách ly, lưu thông đình trệ (Ảnh minh họa: KT)

Riêng chuỗi cung ứng hàng dệt may lại đứt gãy do thiếu lao động; điều kiện sản xuất theo quy định “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách xã hội tăng cường.

Hệ quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng trên không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm an sinh xã hội khi tỷ lệ lao động nghỉ việc, giãn việc ngày càng tăng.

Chống dịch cũng cần tạo không gian, dư địa cho phát triển kinh tế

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mục tiêu kép vẫn luôn đúng, kể cả trong bối cảnh hiện nay. Bởi chúng ta không thể chống dịch mà không có nguồn lực, và chúng ta cũng không thể tạo ra nguồn lực nếu như dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, “thị trường không thể đợi chúng ta đóng - mở nền kinh tế để chống dịch. Nếu họ không an tâm khả năng hoàn tất đơn hàng, họ sẽ tìm đối tác mới”, ông Bình lo ngại.

TS. Lê Duy Bình cho rằng, mục tiêu năm nay có thể không phải là con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà vẫn là các mục tiêu về đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số lớn của nền kinh tế, duy trì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, mục tiêu kép là cách chúng ta tìm giải pháp chung sống với virus này và dần dần khống chế hoàn toàn được nó với tổn thất kinh tế, xã hội mà nó gây ra ở mức thấp nhất có thể.

“Chúng ta có thể có nhiều mô hình chống dịch và tăng trưởng khác nhau và áp dụng linh hoạt tại các địa phương. Có những lúc phải hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên chống dịch, nhưng chống dịch cũng cần tạo không gian, dư địa cho phát triển kinh tế”, TS. Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, chống dịch thành công, kinh tế mới phục hồi nhưng chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song với nhau, kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch, không nên đặt vế nào cao hơn, như thế mới là mục tiêu kép.

“Chúng ta có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước; đồng thời, cần phải sớm có một kế hoạch để phục hồi nền kinh tế với các giải pháp cụ thể và đột phá”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Cung nhận định, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới. Các yếu tố bên ngoài đang rất thuận lợi, kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, nhất là ở các thị trường trọng điểm, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước cũng có nhiều yếu tố để hy vọng đại dịch không còn trầm trọng như giai đoạn vừa qua, vì độ bao phủ vaccine đang lớn dần và dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.

“Điều chúng ta cần hiện nay là một sự thay đổi lớn, một thể chế vượt trội để thúc đẩy các nhân tố mới cho quá trình phục hồi kinh tế. Vượt qua được lúc khó khăn này cũng chính là tích lũy được kinh nghiệm để cải cách thể chế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nếu không kịp thời có một chương trình thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện ở cấp quốc gia, kinh tế có thể suy giảm đến quá ngưỡng có thể phục hồi. Khi đó, quá trình phục hồi kinh tế sẽ rất chậm và đau đớn”, nguyên Viện trưởng CIEM cảnh báo.

TS Cung đề xuất, chương trình phục hồi kinh tế phải dựa trên 4 trụ cột chính, theo thứ tự ưu tiên: từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

“Cần thành lập Ủy ban Phục hồi, phát triển kinh tế để xây dựng ngay những đạo luật, chính sách cần thiết cho sự phục hồi kinh tế đất nước. Ủy ban sẽ xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi kinh tế với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và DN, từ đó thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây