Hà Nội: Doanh thu khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giảm mạnh

Thứ bảy - 31/07/2021 11:04
Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội ước tính đạt 41.400 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 2.300 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và giảm 54,2% so với cùng kỳ.

Đây cũng là tình hình chung của cả nước khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, TP phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trong tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước ước đạt 339.400 tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng 6 và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 nhiều khách sạn tại Hà Nội đóng cửa. Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, tháng 7, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29.300 tỷ đồng, giảm 7,9% và giảm 10,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 2.300 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và giảm 54,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 178 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,2% và giảm 78,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 9.600 tỷ đồng, giảm 3,8% và giảm 25,2%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP ước tính đạt 329.100 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 225.500 tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng mức và tăng 5,8% (doanh thu xăng, dầu tăng 15,9%; nhiên liệu tăng 22%; hàng may mặc tăng 4,9%; lương thực, thực phẩm tăng 3,2%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 25.500 tỷ đồng, chiếm 7,7% và giảm 9,6% (doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 40,9%; dịch vụ ăn uống giảm 6,5%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.200 tỷ đồng, chiếm 0,7% và giảm 43,5%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 75.900 tỷ đồng, chiếm 23,1% và giảm 0,7%.

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân phòng, chống dịch Covid-19: TP Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa thiết yếu tại thời điểm có dịch, tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, TP (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Xây dựng kịch bản theo 3 cấp độ lây lan của dịch phục vụ Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa.

TP đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết, huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện đưa hàng kịp thời đến các điểm bán. Thông tin về các điểm bán hàng đến người dân trên địa bàn TP để thuận tiện trong việc mua sắm hàng hóa.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại đa số các doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30 - 50% lượng hàng hóa thiết yếu, các hệ thống phân phối lớn đã tăng cường lương thực, thực phẩm nhiều hơn (hệ thống Vinmart tăng gấp 3 - 5 lần lượng hàng; hệ thống BRG tăng gấp 3 lần đối với 13 mặt hàng thiết yếu). Mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau, thịt, cá...) đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng liên tục từ 9 - 15 ngày, các mặt hàng khác đảm bảo cung ứng liên tục từ 30 - 45 ngày kể cả khi sức mua tăng gấp 2, 3 lần so với bình thường.

Đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm; các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nhờ đó, không xảy ra hiện tượng tăng giá và tâm lý dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân những ngày cuối tháng 7.

Thảo Nguyên

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 10

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây