Sản xuất công nghiệp của TP.HCM giảm mạnh vì dịch

Thứ hai - 02/08/2021 02:06
TP.HCM là địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh nhất tháng 7 trong 19 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.

Cơ quan này nhận định sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.

7/19 tỉnh thành phía Nam giảm chỉ số sản xuất công nghiệp

Tại 19 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, 7 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm và 12 địa phương tăng. Cụ thể, TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.

“Một số địa phương có chỉ số tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó”, Bộ Công Thương cho biết.

Cụ thể, Bạc Liêu tăng 13,7% do sản xuất điện tăng 137,6% (bổ sung Nhà máy điện gió Đông Hải 1 hòa lưới điện tháng 2, Nhà máy điện gió Công Lý, Nhà máy điện gió Hòa Bình hòa lưới điện tháng 3); Bình Phước tăng 12,2% do sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,5%; Hậu Giang tăng 10,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 27,2%, sản xuất đồ uống tăng 76,4%.

Trong khi đó, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%, tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 vẫn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên thấp hơn mức tăng 9,4% của năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm, bao gồm khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,8%.

Nhập siêu 2,7 tỷ USD

Đối với xuất nhập khẩu, hoạt động này trong tháng 7 đang có phần chững lại. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, con số này là 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.

Trong 7 tháng đầu năm, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hầu hết mặt hàng trong 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,4 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 29,8 tỷ USD, tăng 20,6%; ASEAN đạt 24,9 tỷ USD, tăng 49,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).

“Đà tăng trưởng của xuất nhập khẩu có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước”, Bộ Công Thương nhận định.

Dự báo, nhu cầu xuất khẩu hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử còn khá cao khi các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại. Ngoài ra, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuấn Hùng

Nguồn tin: zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây