Hà Nội: Sẵn sàng các kịch bản để tổ chức thành công kỳ thi vào lớp 10

Thứ hai - 31/05/2021 10:22
Hà Nội sẽ có khoảng 93.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, tổ chức ở 4.500 phòng thi. Vì vậy, liên ngành đã chuẩn bị các điều kiện để ra đề thi, bảo đảm an toàn cho học sinh trước, trong và sau kỳ thi.
Ha Noi: San sang cac kich ban de to chuc thanh cong ky thi vao lop 10 hinh anh 1           Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện để ra đề thi; Sở Y tế cũng đã soạn thảo hướng dẫn liên ngành để cụ thể các công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho trước, trong và sau kỳ thi.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, tổ chức chiều 31/5.

Bảo đảm an toàn trước, trong và sau kỳ thi

Thông tin thêm, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đơn vị đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi vào lớp 10dự kiến diễn ra từ ngày 10/6-12/6.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát các đối tượng F0, F1, F2 để có các giải pháp tổ chức kỳ thi. Cụ thể, thành phố hiện có 11 F1, 133 F2, không có F0.

"Dự kiến, Hà Nội sẽ có khoảng 93.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, tổ chức ở 4.500 phòng thi, hiện liên ngành đã chuẩn bị các phương án cho kỳ thi sắp tới," đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Về phương án tuyển sinh lớp 10, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết từ nay đến ngày 10/6 nếu tình hình dịch vẫn kiểm soát tốt thì thành phố vẫn tổ chức kỳ thi vào lớp 10 theo đúng kế hoạch.

Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu, ông Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần xây dựng kịch bản chi tiết cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các điểm thi; xây dựng hướng dẫn liên ngành về vấn đề này.

“Người đứng đầu các địa phương cần có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn phòng dịch cho kỳ thi diễn ra trên địa bàn mình. Thời gian tới, thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10," ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các quận, huyện và Sở ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân chung sức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt khai báo y tế với những người dân đi về từ vùng có dịch.

Trong trường hợp người dân đi từ vùng bị phong tỏa thì cần khai báo đầy đủ hơn với chính quyền và y tế địa phương thực hiện xét nghiệm sàng lọc.

Ngoài ra, ông lưu ý các địa phương cần nắm chắc số lượng người đi về từ vùng có dịch; thường xuyên trao đổi thông tin với các địa bàn có dịch; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt trường hợp vi phạm đồng thời có hình thức khen thưởng, động viên với các tổ chức làm tốt công tác phòng, chống dịch.

"Hiện, trên địa bàn thành phố vẫn có hiện tượng tụ tập đông người tại các khu vui chơi, các địa phương cần xử lý nghiêm," ông Chử Xuân Dũng lưu ý.

Phân loại các nhóm nguy cơ tại khu cách ly

Về công tác quản lý các khu cách ly tập trung, Phó Chủ tịch thành phố cho biết đây là nguồn lây rất cao nên các địa phương cần có sự đánh giá, chủ động rà soát các nguy cơ từ những khu này.

Ông đề nghị các khu cách ly tập trung cần có sự phân loại các nhóm nguy cơ; thực hiện rà soát, xây dựng quy trình cụ thể về việc cách ly; rà soát các quy định về chuyên môn trong các khu cách ly; thường xuyên khử khuẩn những khu vực chung; tổ chức giãn cách và giảm mật độ người cách ly trong các khu cách ly tập trung...

Để làm được điều này, Sở Y tế cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng danh sách các phần việc để các cơ sở triển khai cũng như đề xuất mua sắm trang thiết bị phù hợp. Trong đó, Sở Y tế phối hợp với các địa phương chủ trì quy trình thành lập các cơ sở cách ly tập trung. Bộ Tư lệnh Thu đô chủ trì kiểm tra việc vận hành của các khu cách ly tập trung.

Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị cần rà soát lại hoạt động của các tổ giám sát, tuyên truyền COVID-19 cộng đồng để hoạt động hiệu quả hơn; tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; tăng cường công tác phòng dịch tại các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các bệnh viện.

Hiện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai việc quyên góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Thành phố mong muốn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

8 trường hợp liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đều âm tính

Tại phiên họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết tại Hà Nội, qua rà soát có 8 trường hợp tại Thanh Oai, Chương Mỹ liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Ông Hạnh cho biết thêm từ ngày 29/4 đến nay thành phố ghi nhận 209 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận, huyện và tại khu cách ly tập trung Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô.
Ha Noi: San sang cac kich ban de to chuc thanh cong ky thi vao lop 10 hinh anh 2                                         Cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ghi nhận 229 ca mắc trong bệnh viện (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 112 ca và Bệnh viện K3 117 ca) và 12 ca nhập cảnh đã được cách ly, 5 ca nhân viên y tế.

Đáng chú ý, Hà Nội đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng có liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Do đó, Sở Y tế đề nghị các quận huyện đặc biệt là các quận huyện giáp ranh cần tiếp tục rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch của các tỉnh.

Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra, rà soát quy trình cách ly, chuyển các trường hợp F1 có kết quả âm tính sang khu cách ly của Trường Đại học FPT để giảm mật độ cách ly và xét nghiệm cho toàn bộ người cách ly và người phục vụ tại các khu cách ly tập trung.

Hà Nội còn 56 điểm phong toả

Liên quan đến 11 chùm ca bệnh trước đây, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 27/5 đến nay, không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng từ 11 chùm ca bệnh này.

Thành phố hiện còn 56 điểm phong tỏa; đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 26.000 trường hợp F1; hơn 27.000 cán bộ y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, thành phố đã thành lập 13 cơ sở cách ly tập trung F1 với hơn 9.600 chỗ; đã rà soát được 43 cơ sở với gần 11.000 chỗ cách ly tập trung nhằm nâng công suất cách ly lên 30.000 trường hợp.

Bổ sung ý kiến, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho rằng Hà Nội cần sẵn sàng đối phó nguy cơ còn xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng để có ứng xử với dịch nhanh chóng, quyết liệt.

Bà Hà đề xuất các khu cách ly tập trung có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm chéo cần tăng cường giãn cách và quản lý bằng camera; các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ những nơi ở của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; giám sát người dân đi từ các vùng có dịch.

Bà cũng lưu ý cần lên các kế hoạch cụ thể việc bảo đảm an toàn cho kỳ thi vào lớp 10, bởi có thể trong những ngày tới, số lượng F1, F2 sẽ có di biến động.

Tại cuộc họp, đại diện quận Tây Hồ cho biết địa phương đã diễn tập, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để triển khai khu cách ly tập trung; tiến hành rà soát các tổ giám sát, tuyên truyền COVID-19 cộng đồng với số lượng 8-10 người/nhóm.

Trong khi đó, huyện Gia Lâm báo cáo đã lấy hơn 2.000 mẫu trong cộng đồng và cho kết quả âm tính; xử phạt gần 120 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch với tổng số tiền 270 triệu đồng…

Đại diện Công an thành phố Hà Nội thông tin đã rà soát các đối tượng liên quan đến Hội thánh truyền giáo; tiếp tục quản lý đối tượng nhập cảnh trái phép; tăng cường công tác kiểm tra việc tụ tập đông người nơi công cộng; trong đó có một số nơi làm tốt như khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây; tiếp tục duy trì 130 chốt để canh gác các điểm tại các khu cách ly tập trung./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Nguồn tin: www.vietnamplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây