3,5 tỷ người đang đợi mũi vaccine đầu tiên, nhiều nước đã tiêm liều 3

Thứ năm - 05/08/2021 00:06
WHO ước tính tổng số vaccine mà 11 nước giàu có thể sử dụng để tiêm tăng cường lên tới 440 triệu liều. Trong khi đó, 3,5 tỷ người trên thế giới vẫn chưa nhận được liều nào.


Israel - nơi 62% dân số đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ - đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp vaccine tăng cường cho người dân của họ, tập trung vào người có hệ miễn dịch kém, bắt đầu từ ngày 1/8.

Thủ tướng Naftali Bennett cho biết mục tiêu là tiêm liều vaccine thứ 3 cho tất cả người đủ điều kiện vào cuối tháng 8, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm việc nhanh gấp "năm lần", theo Times of Israel.

Thủ tướng Naftali Bennett nói vào tối 1/8: “Tình hình đang tốt, nhưng chúng ta phải tăng tốc. Tốc độ hàng ngày của chúng ta cần phải gấp năm lần hiện tại. Mục tiêu của chúng ta là tiêm chủng cho mọi người vào cuối tháng. Đó là tham vọng, nhưng có thể thực hiện được”.

Eran Segal, cố vấn về Covid-19 cho chính phủ Israel, nói rằng chỉ hơn một triệu liều vaccine được triển khai trong chương trình này và con số này là “không đáng kể”.

Israel không phải là quốc gia duy nhất muốn triển khai liều vaccine thứ 3 cho người cao tuổi. Hàng chục quốc gia giàu có trên thế giới đã hoặc đang cân nhắc triển khai kế hoạch này, bất chấp vấp phải sự phản đối từ nhiều nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kế hoạch tiêm vaccine tăng cường ở các nước giàu đồng nghĩa với việc nhiều người dân chưa được tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp sẽ tiếp tục phải chờ đợi, khi mà phần lớn vaccine, đặc biệt là vaccine mRNA có hiệu quả cao, đều được Mỹ và châu Âu thu mua.

Israel bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3 cho người cao tuổi kể từ ngày 1/8. Ảnh: AP.

Những kế hoạch xa xỉ

Cùng ngày 1/8, Hungary cũng đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine tăng cường cho người đã chủng ngừa Covid-19 đầy đủ được 4 tháng.

Một tháng trước, Nga đã cung cấp vaccine tăng cường cho bất kỳ ai đã tiêm chủng đầy đủ được 6 tháng, theo New York Times.

Sau khi xem xét các dữ liệu sơ bộ cho thấy mức độ kháng thể của người đã tiêm vaccine giảm dần theo thời gian, Anh đã vạch ra kế hoạch tiêm liều thứ 3 cho người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế tuyến đầu, và người có nguy cơ mắc Covid-19 cao.

Theo Telegraph, Anh sẽ triển khai vaccine tăng cường cho 32 triệu người dân. Các bộ trưởng đặt mục tiêu tiêm 2,5 triệu liều vào mỗi tuần, bắt đầu từ ngày 6/9, và hoàn thành vào đầu tháng 12.

Đức ngày 2/8 cũng đã chính thức thông báo rằng họ sẽ tiêm vaccine tăng cường cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho người cao tuổi, nhân viên y tế, và người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Bất kỳ ai đã tiêm đầy đủ vaccine AstraZeneca hoặc Johnson and Johnson cũng được tiêm tăng cường vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.

Cụ Blossom Koppelman (86 tuổi) tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3 với vaccine của Pfizer/BioNTech ở Netanya, Israel, ngày 1/8. Ảnh: AP.

Pháp cũng đang có kế hoạch tương tự, chủ yếu cho người trên 75 tuổi và người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bắt đầu từ mùa thu này.

Một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm Italy và Tây Ban Nha, cũng thông báo về khả năng tiêm vaccine Covid-19 tăng cường cho người dân.

Ở Hàn Quốc, chính phủ thậm chí đã đặt hàng vaccine với số lượng lớn, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho gấp đôi dân số, nhằm phòng trường hợp cần tiêm tăng cường.

Tại Mỹ, chính phủ hồi đầu tháng 7 đã quyết định trì hoãn việc tiêm vaccine tăng cường ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, họ cho biết đã chuẩn bị vaccine và sẽ triển khai kế hoạch ngay khi các nhà khoa học của họ nghiên cứu xong và nói rằng điều đó là cần thiết.

Cuối tháng 7, Mỹ đã mua 200 triệu liều vaccine mRNA để chuẩn bị cho việc tiêm nhắc lại.

3,5 tỷ người đang chờ liều vaccine đầu tiên

Quyết định và kế hoạch của các nước được đưa ra, bất chấp phần lớn thế giới vẫn đang thiếu hụt vaccine, sau khi một số dữ liệu sơ bộ cho thấy khả năng miễn dịch của người đã tiêm vaccine đầy đủ có thể bắt đầu suy yếu sau sáu tháng, theo Axios.

Bên cạnh đó, việc biến chủng Delta đang lây lan mạnh trên khắp thế giới dường như cũng góp phần khiến các nước giàu thúc đẩy kế hoạch này.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu có thật sự cần thiết tiêm thêm liều vaccine tăng cường hay không.

Tiêm chủng Covid-19 với vaccine Johnson and Johnson tại một bệnh ở Nam Phi hồi tháng 3. Ảnh: New York Times.

Hiện tại ở Mỹ, số ca mắc Covid-19 do biến chủng Delta chiếm chưa đến 1% số người được tiêm chủng đầy đủ. Sự gia tăng các trường hợp Covid-19 mới chủ yếu ảnh hưởng đến người chưa được tiêm chủng, theo Nature.

Nhà khoa học chính của WHO Soumya Swaminathan cho biết không có bằng chứng nào cho thấy cần phải tiêm nhắc lại trước “một năm hoặc hai năm”, theo Axios.

Ngay cả khi khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, những người được tiêm chủng vẫn sẽ được bảo vệ phần nào. Theo quan điểm sức khỏe toàn cầu, việc chủng ngừa cho người chưa được tiêm vaccine ở những quốc gia có thu nhập thấp hơn, đặc biệt là nhân viên y tế và người có nguy cơ cao, là điều cấp bách hơn nhiều.

Việc các nước giàu thúc đẩy chương trình vaccine tăng cường đã gây ra nhiều tranh cãi trên toàn cầu, khi mà mới có một bộ phận nhỏ người dân ở các nước đang phát triển được tiêm một liều. Trong đó, chỉ 3% người dân châu Phi được tiếp cận với vaccine.

WHO cảnh báo rằng vaccine vẫn là nguồn tài nguyên khan hiếm. Việc tiêm liều thứ 3 cho người dân ở các nước giàu đồng nghĩa với việc nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo sẽ tiếp tục bị trì hoãn việc chủng ngừa Covid-19.

Một số nhà phê bình nói thêm rằng động thái này là phi đạo đức, và nó tạo cơ hội cho sự phát triển và hoành hành của các biến chủng mới trên toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cáo buộc Pfizer và Moderna - những công ty kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ việc thúc đẩy nước giàu triển khai liều vaccine thứ 3 - rằng họ đã đưa ra lựa chọn “không phải để bảo vệ người cần được bảo vệ nhất”.

Ông kêu gọi các công ty và quốc gia chia sẻ vaccine với COVAX, thay vì dự trữ để tiêm tăng cường.

Hiện tại, đặc biệt là trong ba tháng tới, trong khi nguồn cung vaccine vẫn rất eo hẹp, việc các nước giàu tiêm liều tăng cường là một trở ngại đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Một phân tích nội bộ từ WHO ước tính rằng nếu 11 quốc gia giàu có đang triển khai hoặc xem xét tiêm vaccine tăng cường trong năm nay cho người trên 50 tuổi, họ sẽ sử dụng khoảng 440 triệu liều. Nếu tất cả quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trên trung bình đều làm như vậy, ước tính con số này sẽ tăng gấp đôi.

WHO khẳng định rằng những liều vaccine này sẽ hữu ích hơn trong việc kiềm chế đại dịch nếu chúng được gửi đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi hơn 85% người dân (khoảng 3,5 tỷ người) của họ chưa được tiêm mũi nào.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Ưu tiên bây giờ phải là tiêm chủng cho những người chưa được tiêm".

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu không có vaccine, công cụ tốt nhất để làm chậm sự lây lan của Covid-19 là các biện pháp can thiệp như đóng cửa cơ sở kinh doanh và trường học. Điều này có thể gây ra những hậu quả kinh tế tàn khốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng 95 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trong đại dịch vào năm ngoái, và con số này đang tăng lên. Vào ngày 27/7, tổ chức này đã báo cáo khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nước.

Hơn nữa, các nhà sinh học tiến hóa nói rằng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang ở trong thời điểm mà virus có thể tiến hóa thành các biến chủng nguy hiểm hơn.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, ngày 28/7, tại Tanzania - một trong những quốc gia cuối cùng bắt đầu tiêm chủng. Ảnh: AFP.

Nahid Bhadelia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm Mới nổi tại Đại học Boston ở Massachusetts, Mỹ, cho biết: “Hiện tại, số phận của chúng ta dựa vào việc phân phối vaccine".

Một báo cáo tháng 7 từ KFF, tổ chức chính sách y tế có trụ sở tại San Francisco, California, cho thấy rằng các quốc gia có thu nhập thấp sẽ không đạt được mức độ bảo vệ đáng kể cho đến ít nhất là năm 2023, với tốc độ tiêm chủng hiện tại.

Theo công ty phân tích Airfinity có trụ sở tại London, gần như tất cả khoảng 3,2 tỷ liều vaccine mRNA dự kiến trong năm nay từ các nhà sản xuất Pfizer/BioNTech và Moderna đã được Mỹ và châu Âu mua.

Dù một phần trong số đó sẽ được tặng cho các quốc gia khác, báo cáo của KFF cho thấy rằng chúng sẽ không đủ. Báo cáo cho biết tốc độ tiêm chủng ở những quốc gia có thu nhập thấp cần tăng gấp 19 lần để có thể tiêm chủng cho 40% dân số của họ vào cuối năm nay.

Mốc 40% này được WHO, Ngân hàng Thế giới và IMF xác nhận là ngưỡng để các nước có thể giảm đáng kể số ca tử vong, và cho phép các nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, mục tiêm khiêm tốn này có vẻ như ngày càng xa tầm với.

Hồng Ngọc

Nguồn tin: zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 05

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây