Đẩy mạnh sản xuất, Nhựa Pha Lê (PLP) chuẩn bị huy động thêm vốn

Thứ tư - 17/11/2021 01:16
Cuối tuần qua, CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP - sàn HOSE) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 và thông qua một số nội dung quan trọng.

Đại hội đã thông qua việc bầu bổ sung bà Trần Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022, thay cho ông Nguyễn Hồ Hưng xin từ nhiệm vì một số lý do cá nhân.

Cũng tại đại hội, cổ đông đã nhất trí tiếp tục triển khai phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 thông qua. Cụ thể, tỷ lệ phát hành là 2:1, giá phát hành là 10.000 đồng/CP. Vốn điều lệ PLP dự kiến sẽ tăng từ 400 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Phương án này đã được trình lên UBCKNN và đang đợi cơ quan cấp trên chấp thuận.

Đồng thời, Công ty tiếp tục thông qua phương án chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mục đích chào bán nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Thời gian thực hiện dự kiến đầu năm 2022.

Phương án bổ sung vốn được PLP khẩn trương triển khai trong giai đoạn Công ty đã hoàn tất hợp nhất với CTCP Hoàng Gia Pha Lê từ ngày 1/7/2021. Sự góp mặt của Hoàng Gia Pha Lê đã giúp doanh thu, lợi nhuận và tài sản PLP tăng trưởng đột biến.

Trong quý III, PLP ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 728,9 tỷ đồng, riêng Hoàng Gia Pha Lê đóng góp 314,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ PLP đạt 70,3 tỷ đồng và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 94,4 tỷ đồng. Kết quả, PLP lãi sau thuế 93,4 tỷ đồng.

Hoàng Gia Pha Lê là đơn vị đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván sàn công nghệ SPC tại Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng, công suất 12 triệu m2/năm do PLP sở hữu 51% vốn điều lệ. Hoàng Gia Pha Lê dự kiến đạt 1.200 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021 và con số này sẽ chạm mốc 2.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Trước đó, Ban lãnh đạo của PLP đã nhìn nhận hoạt động xuất khẩu filler đang bị chững lại do đặc thù hàng khối lượng nặng, tỷ trọng chi phí vận tải lớn nên chịu ảnh hưởng bởi giá cước biển tăng, đặc biệt là tại các thị trường ở xa. Mặt khác, các doanh nghiệp filler tại Việt Nam trong giai đoạn qua có xu hướng chuyển đổi thị trường xuất khẩu từ Châu Âu, Nam Mỹ sang tập trung ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, PLP xác định chủ trương phát triển không tập trung vào phân khúc cấp thấp là Trung Quốc. Vậy nên, Công ty chủ yếu xoay trục hoạt động của mình sang phát triển các sản phẩm khác, bên cạnh ván sàn SPC, đáng chú ý là sản phẩm phụ kiện ván sàn SPC.

Từ tháng 10/2021, nhà máy sản xuất phào, nẹp, sản phẩm phụ trợ của ván sàn SPC của PLP cũng chính thức vận hành với 2 dây chuyền cung cấp sản lượng gần 3 triệu m dài/năm. PLP đang trong quá trình đàm phán đặt thêm 6 dây chuyền, dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2022 với công suất tổng thể lên tới 10 triệu m dài/năm.

Sự thành công của dự án này sẽ giúp PLP sở hữu nhà máy lớn nhất Việt Nam và nằm trong top những đơn vị sản xuất phụ kiện ván sàn lớn nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường SPC như hiện nay, Công ty cho rằng đây chính là hướng đi trong giai đoạn tới khi biên lợi nhuận của ngành filler đang giảm dần.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng 17/11, cổ phiếu PLP tăng 6,5% lên sát mức giá trần 17.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 1,5 triệu đơn vị.

Kiều Trang

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây