Giải mã việc các nước rời bỏ Trung Quốc
Tạp chí Forbes tháng trước có bài viết cho thấy các doanh nghiệp (DN) Mỹ đang rời bỏ Trung Quốc (TQ) vì thương chiến Mỹ-Trung. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy các DN rời bỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu thống kê của tờ The Nikkei chỉ ra ít nhất 50 công ty và tập đoàn Mỹ đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất khỏi TQ trong năm 2019 do không thể chịu nổi các đợt thuế quan của TQ.
Theo TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM: Không chỉ Mỹ mà còn ở nhiều nước khác, cả DN lẫn chính phủ đều có xu hướng mất niềm tin rằng TQ phát triển hòa bình và trách nhiệm.
hai động lực để doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc
. Phóng viên: Theo quan sát của ông, xu hướng rời bỏ TQ của các DN nước ngoài hiện nay diễn ra như thế nào?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Việc các công ty đa quốc gia rời TQ không còn là dự đoán nữa mà đã trở thành hiện thực. Google và Microsoft đã tiên phong thúc đẩy quá trình di dời các nhà máy của họ sang các khu vực khác của châu Á. Tập đoàn Samsung (Hàn quốc) đã đóng cửa nhà máy sản xuất cuối cùng của họ tại TQ vào tháng 9-2019 khi thị phần điện thoại di động thông minh của họ tại TQ sụt giảm trong nhiều năm và hiện chỉ còn dưới 1%. Trước đó, vào năm 2013, Samsung chiếm 20% thị phần tại TQ. Tôi nghĩ xu hướng rời TQ chưa ngừng lại.
. Lý do đằng sau việc rút lui khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là gì?
+ Một trong những lý do chính là thành công của các hãng điện tử sản xuất điện thoại di động nội địa của TQ như Xiaomi, Oppo, Huawei trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng và cung cấp hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất TQ trưởng thành và có thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia hiện nay vẫn chỉ giới hạn trong một số lãnh vực nhất định.
Chính cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài đã khiến nhiều công ty đầu tư lâu dài ở TQ phải suy nghĩ kế hoạch để tránh bị áp thuế quá cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Chi phí nhân công tại TQ cũng ngày càng tăng cao. Quá trình rời khỏi TQ đã diễn ra từng bước do nước này vẫn còn quá nhiều lợi thế so với các địa điểm thay thế cho đến khi gặp cú hích đại dịch COVID-19.
Chính đại dịch COVID-19 cho thấy TQ có thể bị tắc nghẽn bất kỳ lúc nào đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi quốc gia này phong tỏa để chống dịch. Ví dụ, ngành ô tô Nhật Bản chịu thiệt hại nặng vì phụ thuộc TQ. Việc đa dạng hóa nguồn cung sản xuất khỏi lệ thuộc quá nhiều vào TQ trở nên cấp bách. Số liệu hiện nay cho thấy khoảng 40% sản phẩm trên toàn cầu được sản xuất tại TQ.
. Liệu có nguyên nhân chính trị nào thúc đẩy các DN rời khỏi TQ?
+ Có chứ. Cũng chính từ việc các DN nước ngoài quá lệ thuộc TQ đã khiến họ cảm thấy bản thân họ, rộng ra là đất nước họ trở thành “con tin” của TQ trong các tình huống nguy cấp. Trong thảm họa COVID-19, các nước như Úc, Pháp, Mỹ, Canada phải tranh nhau nhập khẩu trang thiết bị y tế của TQ, thậm chí với giá cao hơn nhiều lần so với bình thường nhưng vẫn thiếu hụt. Vậy nên việc di dời không chỉ xuất phát từ các công ty muốn đa dạng hóa đầu tư, tránh việc “bỏ hết trứng vào một rổ”, mà còn xuất phát từ các chính sách kích thích của chính phủ các nước.
. Chính phủ các nước thúc đẩy DN họ rời khỏi TQ thế nào?
+ Tháng 4-2020, chính phủ Nhật thông báo gói 2,2 tỉ USD để khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản di dời dây chuyền sản xuất khỏi TQ, trở về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ cũng đang đẩy mạnh hàng loạt nỗ lực nhằm rút toàn bộ chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của nước này khỏi TQ trong bối cảnh Washington tìm cách trừng phạt Bắc Kinh với cáo buộc không minh bạch thông tin trong xử lý đại dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kevin Krach, kế hoạch này đã được Mỹ chuẩn bị nhiều năm qua và liên tục được đẩy mạnh dưới tác động của các sự kiện như thương chiến Mỹ-Trung hay đại dịch COVID-19 hiện nay. Tương tự, ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, cũng đã tiết lộ rằng Mỹ sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí di dời cho các công ty Mỹ. Tương tự, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan mới đây cũng phát biểu rằng khối này sẽ nỗ lực “giảm tình trạng phụ thuộc thương mại - vốn đang khiến chúng ta suy yếu” sau khi COVID-19 đi qua, dù không đề cập trực tiếp đến TQ.
Như vậy, xu hướng rời bỏ TQ xuất phát từ hai động lực: (i) Các DN muốn giảm chi phí hay đa dạng hóa nguồn đầu tư; (ii) các chính phủ nước ngoài muốn thông qua các chính sách vĩ mô nhằm tránh lệ thuộc vào TQ.
Từ đại dịch COVID-19, các nước phát hiện đầu tư vào Trung Quốc giống như “bỏ hết trứng vào một rổ”, khiến họ gặp rủi ro vì lệ thuộc. Thế nên họ chuyển hướng đa dạng hóa đầu tư sang các nước khác. Minh họa: SCMP/BRIAN WANG
Chính phủ các nước mất niềm tin với Bắc Kinh
. Một trong những điểm nhấn trong việc kêu gọi đầu tư từ TQ là tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” và “TQ là quốc gia có trách nhiệm”. Các nước có tin điều này?
+ Thế giới phương Tây từng chia hai phe có quan điểm đối lập nhau về sự trỗi dậy của TQ: Một phe tin tưởng TQ trỗi dậy hòa bình và phe còn lại cho rằng TQ càng mạnh thì thế giới càng bị bất ổn. Phe cho rằng TQ sẽ trỗi dậy hòa bình tin tưởng các thiết chế đa phương quốc tế cũng như ngoại giao gắn chặt với TQ sẽ giúp kiềm chế quốc gia này. Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhiệm kỳ 1993-2001 từng tin tưởng TQ sẽ cư xử có trách nhiệm, đồng thời ủng hộ TQ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 1997 và góp phần biến nước này trở thành công xưởng của thế giới.
Tuy nhiên, tham vọng của TQ đã bộc lộ sau khi nước này trở thành một cường quốc có thể thách thức vai trò siêu cường của Mỹ. Sau đại dịch COVID-19, các quốc gia phát triển vốn từng hy vọng TQ có thể tuân theo luật lệ, thiết chế quốc tế đã vỡ mộng. Bởi lẽ họ chứng kiến các hành vi mang tính gian dối, ngang ngược, bất chấp luật pháp cũng như sự ngạo mạn từ các nhà ngoại giao và hoạch định chính sách TQ. Điều này không chỉ thể hiện trong chính sách chống dịch của TQ, mà còn cả hành xử của nước này tại các điểm nóng như Biển Đông.
. Việc vỡ mộng này khiến chính phủ các nước thay đổi cách ứng xử với TQ?
+ Đúng là vậy. Các nước từng tin tưởng TQ “trỗi dậy hòa bình” nay đã nghĩ khác, từ đó hành xử cũng sẽ khác đi. Họ phản ứng mạnh mẽ với TQ hơn trên chính trường quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia tầm trung. Trước đây, họ muốn giữ hòa hiếu ngoại giao với TQ để không làm mất lòng đối tác thương mại lớn này nhưng gần đây họ đã quyết liệt thể hiện chính kiến của mình và không lo sợ TQ đe dọa.
Mỹ sẽ đi đầu trong việc rời bỏ Trung Quốc Tôi thấy là Mỹ không đứng ngoài cuộc khi thế giới rời bỏ TQ. Một số sáng kiến, thiết chế đa phương mới do Mỹ lãnh đạo sẽ được hình thành để ngăn chặn sự bá quyền của TQ. Đây là thời cơ thuận lợi cho Mỹ củng cố các sáng kiến đã có nhưng còn lỏng lẻo do thiếu sự quyết tâm của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, đây cũng là động lực thúc đẩy các thiết chế mới của Mỹ đứng đầu mà không có sự hiện diện, tham gia của TQ. Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một dự án đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng của Chủ tịch Tập Cận Bình với tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỉ USD, sẽ gặp nhiều nghi ngại từ các quốc gia châu Âu. Ngày càng có nhiều quốc gia EU không tin tưởng BRI. TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Chẳng hạn, Úc đã phản ứng mạnh mẽ đối với các phát ngôn gây phẫn nộ gần đây của nhà ngoại giao TQ khi ông đại sứ TQ Trình Tĩnh Diệp đe dọa trả đũa kinh tế nếu Úc tiếp tục điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Cuối tháng 4-2020, dù không thay đổi “chính sách một TQ” nhưng Hà Lan đã đổi tên Văn phòng Đầu tư và Thương mại của nước này tại Đài Loan thành Văn phòng Hà Lan tại Đài Bắc, bất chấp TQ đe dọa tẩy chay hàng hóa Hà Lan. Trước đó, Anh, Úc và Nhật Bản cũng đã rút gọn tên văn phòng đại diện ngoại giao của họ tại Đài Loan. Bên cạnh đó, dù bị TQ phản đối, nhiều nước cũng thúc đẩy ngoại giao nhằm tạo điều kiện cho Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi vùng lãnh thổ này thành công trong việc chống dịch COVID-19.
Trong tương lai, TQ sẽ phải tập làm quen với việc sức mạnh thương mại của nước này sẽ không thể buộc các quốc gia khác phải mềm mỏng với những chính sách ngạo mạn của Bắc Kinh, trừ các quốc gia quá yếu đuối. Một trật tự thế giới mới sẽ có nhiều biến đổi, trong đó xuất hiện thêm các thể chế hợp tác đa phương mới mà TQ sẽ bị loại ra khỏi các cuộc chơi.
. Xin cám ơn ông.
Trung Quốc không phải là quốc gia “có trách nhiệm” Theo TS Nguyễn Thành Trung, thế giới lên án mạnh mẽ hành xử hung hăng của TQ ở Biển Đông, biển Hoa Đông không chỉ vì hành xử phi pháp, mà còn vì TQ lợi dụng tình hình khó khăn của các nước mùa dịch. Vì vậy, Mỹ và các nước đồng minh trong lúc đối phó với dịch vẫn thúc đẩy các hoạt động tập trận chung. Đối với đại dịch COVID-19, TQ ngày càng thể hiện họ là một quốc gia thiếu trách nhiệm. TQ đã bị cáo buộc khai man số liệu, cũng như cố tình giảm nhẹ tính nghiêm trọng của đại dịch khiến thế giới chủ quan, phản ứng không đúng mức. TQ còn bị cáo buộc trục lợi từ việc đầu cơ mùa dịch. Bộ An ninh nội địa Mỹ vừa tố cáo TQ che giấu số liệu ngoại thương của mình để bí mật thực hiện chiến dịch lớn thu mua thiết bị bảo hộ cá nhân y tế (PPE) như khẩu trang, áo bảo hộ y tế,… vào tháng 1-2020, giai đoạn trước khi công bố đại dịch rồi sau đó bán lại cho các nước. Đó là chưa kể nhiều nước phát hiện hàng y tế TQ kém chất lượng. Tệ hại không kém, TQ không muốn hợp tác điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Sau nhiều sức ép từ các nước, TQ tuyên bố hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để điều tra trong bối cảnh WHO bị nghi ngờ thiên vị TQ. Chính vì vậy, TQ ngày càng thể hiện bộ mặt xấu xí của họ về tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cũng như tính tuân thủ luật pháp quốc tế. |
Tác giả bài viết: ĐỖ THIỆN thực hiện
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 11
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : VŨ THỊ HẢI YẾN
Công ty TNHH GFS Việt Nam
-
Hội viên : DƯƠNG QUỐC KHÁNH
Công ty CP CN Thiết Bị Dịch Vụ Môi Trường Ánh Thủy
-
Hội viên : NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Công ty TNHH thương mại sản xuất nệm Kim Cương
-
Hội viên : ĐÀO MINH SÁNG
Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa F.C.I
-
Hội viên : DƯƠNG QUANG NHẬT
Công Ty TNHH Thực Phẩm IZEN
-
Hội viên : NGUYỄN HOÀNG ANH
Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ BCB
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ...
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Tổng giám đốc WTO: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển...
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Beta Solution: Nhà phân phối chính thức của Donaldson và INGERSOLL...