Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế

Chủ nhật - 10/05/2020 21:58
Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực vực dậy sản xuất, kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), với việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ từng bước đưa các ngành nghề quay lại kinh doanh bình thường với mục tiêu chung sống an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, điều mà các nhà kinh doanh cần nhất lúc này không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính mà quan trọng hơn là môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ông VŨ TIẾN LỘCChủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VN) (VCCI):

Sử dụng hiệu quả 30 tỉ USD để tạo cú hích

Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế - ảnh 1
 

Tiến trình giãn cách xã hội được nới lỏng có nghĩa là các ngành kinh doanh sẽ dần quay lại hoạt động. Một điều cần lưu ý là chúng ta có lực lượng đông đảo DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh vốn có nguồn lực mỏng chịu ảnh hưởng nặng nề trong quá trình ngủ đông thời gian qua. Do đó, cần cố gắng hỗ trợ đưa nhóm này quay lại hoạt động bình thường sớm nhất có thể.

Chúng ta biết rằng thế giới sau đại dịch sẽ không là thế giới của ngày hôm nay. Đặc biệt các DN dù nhỏ hay lớn đều phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Anh nào chậm chân trong chuyển đổi số sẽ thất bại.

Điều mong muốn của cộng đồng DN từ Chính phủ lúc này là miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt; cắt giảm các khoản phí, lệ phí... Đặc biệt là các cơ quan chức năng cần minh bạch hóa, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh.

Ví dụ, chỉ riêng việc giải ngân khẩn trương khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số tiền trên 30 tỉ USD thì đã tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển. Qua đó mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho DN, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN VN vào thời điểm này là thị trường tiêu thụ. Do vậy, đề nghị Chính phủ phát động phong trào người VN ưu tiên dùng hàng Việt; người Việt tự hào dùng hàng Việt để tiếp sức cho DN Việt. Với 100 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển tốc độ cao, tầng lớp trung lưu đang bùng nổ… sẽ là thị trường mênh mông cho các DN VN.

Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế - ảnh 2
Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước để tiếp sức cho DN Việt.  Trong ảnh: Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

TS NUNO F. RIBEIROngành Quản trị du lịch và khách sạn ĐH RMIT VN:

Khai thác lợi thế là điểm đến an toàn

Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế - ảnh 3
 

Chỉ trong vài tháng qua, lượng khách du lịch đến VN đã giảm từ hàng triệu người xuống con số gần bằng 0. Sự suy giảm nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các công ty du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm, hàng ngàn người VN.

Tuy nhiên, việc Chính phủ xử lý đại dịch COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến VN thành điểm du lịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hong Kong và Úc. VN đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới. Do vậy, dù ngành du lịch dễ bị khủng hoảng theo chu kỳ nhưng ngành cũng hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào khác.

Ở thời điểm này, khi các điều kiện giãn cách xã hội được nới lỏng thì VN nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để giúp ngành du lịch phát triển. Theo đó, nên tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đưa các hoạt động du lịch quay lại từ từ và an toàn. Giảm thuế cho các công ty du lịch và khuyến khích lãnh đạo DN không sa thải nhân viên mà đào tạo lại để họ sẵn sàng quay lại làm việc một khi đại dịch qua đi.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường du lịch. Vì đại dịch COVID-19 cho thấy rõ ràng rằng việc phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không bền vững về lâu dài. Song song đó, VN cần bắt đầu triển khai các chiến dịch marketing nhẹ nhàng thông qua việc sử dụng truyền thông mạng xã hội và quảng cáo nhắm đến khách du lịch tiềm năng hay khách du lịch có khả năng quay lại VN nhưng không thể đến vào thời điểm này.

Ông MICHAEL KOKALARIKinh tế trưởng VinaCapital:

Kinh tế VN có nhiều lợi thế thu hút đầu tư sau đại dịch


Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế - ảnh 4
 

Chúng tôi có lý do để tin rằng sau giới hạn giãn cách xã hội sẽ có sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ theo hình chữ V với hàng hóa và dịch vụ trong nước. Thực tế VN là một nền kinh tế có độ mở khá lớn nên có sự lo ngại về tác động suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến VN. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng VN có thể vượt qua và tăng trưởng tốt sau cơn bão dịch COVID-19.

Nguyên nhân, trong cơ cấu hàng xuất khẩu VN chiếm khoảng 60% sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, đồ nội thất giá rẻ vốn được bán khá nhiều tại các siêu thị lớn tại Mỹ và châu Âu. Số 40% hàng có giá trị gia tăng cao còn lại nằm chủ yếu ở các thiết bị điện tử. Chúng tôi kỳ vọng hàng xuất khẩu giá trị gia tăng thấp của VN được tiêu thụ tốt trong vòng hai năm tới do người tiêu dùng các nước có ý thức tiết kiệm sau dịch. Với hàng giá trị gia tăng cao, VN sẽ nhìn thấy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ vào năm 2021.

Thêm vào đó, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, chúng tôi là một trong những tổ chức dự đoán các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang VN. Thời kỳ hậu dịch COVID-19, chúng tôi tiếp tục cho rằng các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục dịch chuyển sang VN nhưng lần này mạnh mẽ hơn, từ đó sẽ thu hút các công ty VN tham gia chuỗi cung ứng của họ.

TS VŨ THÀNH TỰ ANHGiám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright:

Chính sách hỗ trợ cần mạnh mẽ và nhanh hơn

Hồi sinh kinh tế: Cần cả tiền lẫn cơ chế - ảnh 5
 

Vào giai đoạn phục hồi kinh tế thì nhóm chính sách mục tiêu vẫn phải hướng đến hỗ trợ người dân, người lao động và người sản xuất; hướng đến các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch như ngành du lịch, lưu trú, ăn uống…

Nhưng các chính sách hỗ trợ phải nhanh và mạnh hơn bình thường thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Trong một chừng mực nhất định, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi giữa tốc độ với hiệu quả và công bằng. Chẳng hạn như chúng ta cố gắng hạn chế hiện tượng trục lợi chính sách nhưng cũng phải chấp nhận ở mức độ nào đó câu chuyện một số nhóm được hưởng lợi từ chính sách nhiều hơn những nhóm còn lại.

Doanh nghiệp lớn chỉ xin cơ chế

VCCI cho hay qua khảo sát nhanh cho thấy các DN vẫn đang hết sức khó khăn. Cụ thể, có 69% DN giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp; 45% DN thiếu vốn, thiếu dòng tiền; 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu; 18% thiếu hụt lao động có kỹ năng…

Tuy nhiên, khi hỏi các lãnh đạo DN lớn họ cần gì, câu trả lời là họ biết Nhà nước đang khó khăn, DN không chỉ xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Đây là điều các DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền. 

Hạn chế thanh tra, không hình sự hóa kinh tế

Tại hội nghị với DN diễn ra ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh DN nên chủ động tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị, nâng cao năng suất; giữ lao động, thị trường trong nước, quốc tế và danh dự, bản lĩnh doanh nhân VN.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh về phía cơ quan quản lý phải tạo môi trường tốt, không đổ qua lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN. “Các cấp, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xử lý nhanh những vướng mắc của DN” - ông nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế; hạn chế thanh tra, kiểm tra DN mà thay vào đó thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh dịch hiện nay. 

 

 

Tác giả bài viết: PHƯƠNG MINH

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây