Thủ tướng: Kinh tế TP.HCM phải nhanh chóng bật dậy

Thứ sáu - 08/05/2020 21:39
Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó.

Ngày 8-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc trực tuyến với các lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.

Khôi phục kinh tế trong quý II và III

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong bốn tháng đầu năm, kinh tế TP có giảm sút do tổng cầu giảm, còn tổng cung vẫn đảm bảo; hơn 7.770 doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc đóng cửa (chiếm 3%). “Nếu có các biện pháp hỗ trợ DN thì từ tháng 5 trở đi, với việc mở cửa thị trường trong nước và bước đầu với thị trường nước ngoài thì bộ máy kinh tế là các DN của TP bắt đầu hoạt động trở lại” - ông Nhân nói và tin tưởng tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý II và III là rất rõ.

Theo ông Nhân, với những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân sớm phục hồi nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn. Còn các ngành dịch vụ, du lịch TP sẽ mở cửa có chọn lọc dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát nguồn dịch bệnh từ các nước khác. Về công nghiệp, hàng công nghiệp, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trong nước có cơ hội hoạt động trở lại trong quý II. Riêng với hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, TP sẽ chủ động làm việc với từng nước để xác định lộ trình mở cửa.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ DN của Chính phủ cho TP.HCM. Bên cạnh đó, cho phép TP.HCM sáp nhập ba quận gồm 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP phía đông thuộc TP.HCM nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế cho TP và cả nước. “TP thiết tha mong Thủ tướng thống nhất chủ trương, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn để trong quý III, TP có thể hoàn thành đề án trình Chính phủ” - ông Nhân nói.

Thủ tướng: Kinh tế TP.HCM phải nhanh chóng bật dậy - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Kiến nghị bảy nhóm vấn đề lên Thủ tướng

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng kiến nghị Thủ tướng bảy nhóm vấn đề (với hơn 20 kiến nghị). Về giá điện, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ người dân và DN cho đến khi công bố hết dịch tại Việt Nam. TP kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho DN được giãn tiến độ nộp tiền nợ sử dụng đất phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6-2020, giãn thuế.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM kiến nghị được xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn; cho phép thí điểm lập Ban quản lý vốn nhà nước tại DN TP; thí điểm tổ chức lại ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện thành trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận, huyện. Về công tác cổ phần hóa DN, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo công tác về thẩm định phương án sử dụng đất của DN cổ phần hóa và quy trình chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM giao cho chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch đối với quỹ đất có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện để hình thành một dự án độc lập.

Theo ông Phong, TP.HCM xác định thời gian tới chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”. Trong đó, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của DN. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp...

TP.HCM phải đón lấy cơ hội vàng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quyết tâm cao của TP.HCM. “TP là lò xo nén đủ rồi, đã đến lúc phải bung ra ngay và trở lại chính mình. Biểu đồ phát triển kinh tế của TP không được là chữ U mà phải là chữ V” - Thủ tướng nói và đề nghị trong những tháng còn lại của năm, TP cần phát triển xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình, trở lại vị thế là cực tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đối với chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay, Thủ tướng cho rằng đó không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm của TP với đất nước. Để đạt được chỉ tiêu đó, theo Thủ tướng, giải pháp đầu tiên quan trọng nhất là mỗi người trong bộ máy phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, xóa bỏ “virus trì trệ” đang tồn tại trong một số sở, ban, ngành.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN tại TP.HCM chung sứcđồng lòngchủ động, sáng tạo, vượt khó. “Mỗi công dân TP, mỗi DN là một chiến sĩ. Hãy coi đây là dịp thử thách bản lĩnh, trí tuệ của DN Việt Nam tại một trung tâm năng động, trung tâm kinh tế thị trường lớn nhất cả nước” - Thủ tướng nói.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đang đạt tỉ lệ thấp hơn mức bình quân cả nước (9,2% trong bốn tháng đầu năm), Thủ tướng yêu cầu TP.HCM quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. “Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là việc cần làm ngay. TP đặt mục tiêu cuối tháng 10 giải ngân đạt 80%, cuối năm là 100%, tôi cho rằng phải rất cố gắng mới đạt được” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý TP.HCM phải đón lấy cơ hội vàng trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh. “Tôi đã có trong tay những nhận định của các tổ chức quốc tế đánh giá cơ hội vàng với Việt Nam. Việt Nam là nơi an toàn về dịch bệnh, an toàn về đầu tư, TP.HCM phải đón cơ hội này. Tất cả hãng xếp hạng tín nhiệm để điều chỉnh triển vọng sang ổn định đối với Việt Nam và mới công bố hôm qua” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM đón lấy cơ hội vàng đầu tiên, biến “nguy” thành “cơ” để tạo nên những thành công kép, đặc biệt là những dự án công nghệ. Đây cũng là “lửa thử vàng” để chỉ rõ địa phương nào thực sự kiến tạo và chủ động để đón cơ hội này.

TP.HCM chiếm khoảng 22%-23% GDP của cả nước, chiếm 25% ngân sách cả nước, 33% dịch vụ cả nước… Vì vậy, nếu TP suy giảm sâu về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng. 

Vực dậy sức sống mãnh liệt các thành phần kinh tế

Thủ tướng cũng yêu cầu phải chống lại những hành vi trục lợi trong đại dịch thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập DN trọng yếu. Do đó, TP cần hỗ trợ DN kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế. “Từng bộ, ngành phải tháo gỡ cho TP, trong vòng 5-7 ngày phải xử lý, giải quyết, trình lên phương án, không để tình trạng ngâm hồ sơ lâu, không được để tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong quá trình thực hiện, xử lý các dự án mà TP trình…” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông cũng đề nghị cán bộ của TP.HCM cần lăn xả, tạo niềm tin cho DN, bỏ thói quen bị động. Các bộ, ngành cũng như các cơ quan của TP cần thay đổi cách làm, nếp cũ, suy nghĩ cũ để hiệu quả công việc tốt hơn.

Dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu TP khắc phục nhiều vấn đề còn tồn tại, như chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tiếp tục đi xuống so với năm trước. Tình trạng ách tắc, ô nhiễm, khói bụi vẫn tồn tại; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trộm, cướp... Một số chương trình cần tập trung hoàn thành như giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; chống úng ngập; chỉnh trang và phát triển đô thị.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng TP.HCM trở thành đô thị hiện đại điển hình của khu vực và của thế giới, một TP thông minh, xanh, đáng sống để người dân có thể hưởng lợi công bằng từ những thành quả phát triển mang lại. TP.HCM sớm hoàn thành đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển TP thành trung tâm khoa học công nghệ.

Về các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng cơ bản ủng hộ và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP thực hiện việc thành lập TP phía đông như kiến nghị...

Kinh tế TP.HCM không đổ gãy trong dịch

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TP đã phòng, chống dịch thành công. TP.HCM có nhiều mô hình kinh doanh mới, tốt nên kinh tế không bị đổ gãy.

Địa phương cũng đã phát huy truyền thống TP nghĩa tình, tương thân tương ái, trong đó có “ATM gạo” cho người nghèo cũng như các hình thức hỗ trợ của nhiều doanh nhân. “Đây cũng là một trong những địa phương triển khai sớm nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, phần lớn đối tượng khó khăn đã được quan tâm” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Tác giả bài viết: TÁ LÂM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây