Cú lội ngược dòng thành công của tivi, điện thoại thông minh
Các hãng sản xuất tivi, điện thoại, laptop, máy lạnh… chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 do nguyên vật liệu phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã chuyển hướng sản xuất một cách linh hoạt, thậm chí có những bước đi đột phá, táo bạo.
Đột phá sản phẩm
Điển hình như Tập đoàn Samsung Việt Nam (VN) đã cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới, tiêu thụ tốt. Tập đoàn điện tử này cũng đã tạm chuyển dây chuyền sản xuất một số sản phẩm điện thoại cao cấp như Galaxy G20, Z Flip tại Hàn Quốc sang VN thời điểm dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Thông báo của Samsung cho biết tập đoàn dự định sẽ sản xuất 200.000 chiếc điện thoại cao cấp mỗi tháng tại VN và đưa số điện thoại này về lại Hàn Quốc từ cuối tháng 3. Việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất của một số sản phẩm cao cấp sang VN nhằm cung ứng sản phẩm hiệu quả, ổn định và kịp thời hơn cho khách hàng.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 3, Samsung chính thức thông báo khởi động Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) mới với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Trung tâm này có giá trị đầu tư lên tới 220 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Hiện các nhà máy Samsung ở VN sản xuất tới 50% số smartphone của cả tập đoàn.
Tương tự, trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường VN, kịp thời phòng, chống đại dịch.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, cho biết với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng. Đặc biệt, tập đoàn có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ hoặc cung cấp một phần nhu cầu, số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác.
“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế với đúng giá thành linh kiện và không tính tất cả chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch” - ông Quang chia sẻ.
Là một đơn vị chuyên về cơ khí khuôn mẫu, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, thông tin công ty không bị ảnh hưởng nhiều từ cú sốc cung lẫn cầu ngay cả thời điểm dịch bệnh bùng phát. Lý do, trong sản phẩm của công ty, nguyên phụ liệu chỉ chiếm một nửa, phần còn lại nằm ở kỹ năng và trình độ chuyên môn của người lao động. Về đầu ra, các sản phẩm phục vụ đa dạng thị trường cho các công ty đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa tại thị trường VN nên không bị ảnh hưởng về thị trường tiêu thụ như xuất khẩu.
“Thực tế, việc vượt qua dịch bệnh để kinh doanh ổn định là nhờ Lập Phúc đã có sự chuẩn bị dài hơi và nền tảng từ trước đó. Đó là đầu tư mạnh cho công nghệ, máy móc hiện đại và khả năng đáp ứng các đòi hỏi khó nhất từ đối tác” - ông Trí chia sẻ.
Một số công ty về cơ khí khuôn mẫu đã vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 nhờ có sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang huy
Nắm bắt cơ hội mới
Nhiều đơn vị ngành thép cũng chịu thiệt hại nặng vì dịch COVID nhưng nhờ sự thay đổi linh hoạt đã thoát khó khăn. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt, cho biết hiện nay nhà máy mới chỉ hoạt động được 70% công suất, tuy nhiên đầu ra khá ổn định nhờ công ty nhanh chân đa dạng thị trường xuất khẩu. Theo đó, khi thị trường này xuất khẩu giảm, lập tức công ty nắm bắt nhu cầu ở thị trường khác để đẩy mạnh, vì thế tình hình xuất khẩu vẫn đạt kết quả khả quan.
“Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thép, tôn của VN sẽ có thêm thị trường mới. Ví dụ, ngành thép TQ đã giảm xuất khẩu tại nhiều thị trường vì dịch bệnh, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt” - ông Thái phân tích.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt cũng cho rằng để bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp. “Hiện công ty thép đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như cắt giảm chi phí, giãn việc” - ông Thái nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận định dù gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng cơ hội cho doanh nghiệp vẫn có. Các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu nhìn nhận lại cấu trúc chuỗi toàn cầu của họ. Vì khi dựa vào thị trường TQ thì chuỗi giá trị được đáp ứng nhưng dịch bệnh ảnh hưởng đến TQ dẫn đến cả thế giới bị ảnh hưởng.
“Chính vì thế, nhiều hãng đã bắt đầu điều chỉnh lại chuỗi giá trị của họ trên toàn cầu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp VN tận dụng được ngay trong đại dịch. Tôi lấy ví dụ các nhà đầu tư nước ngoài tại VN phụ thuộc vào khuôn mẫu TQ nhưng dịch bệnh khiến họ không thể nhập khuôn từ nước này nên buộc phải tìm kiếm các công ty VN. Vô hình trung, doanh nghiệp Việt không phải đóng cửa mà còn mở thêm nhà máy mới để đáp ứng các đơn hàng mới. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ dành cho đơn vị chuẩn bị ngay từ ban đầu và với những công ty luôn sẵn sàng cho một tương lai thì đây chính là cơ hội để họ tận dụng được ngay” - bà Xuân Thúy nói.
Muốn sống sót phải hướng đến ba xu thế TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, đánh giá những tác động của dịch bệnh đang tạo ra những thay đổi rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này buộc nhà kinh doanh phải thay đổi tư duy về cải tổ đối tác, thị trường, khách hàng,... Trong quá trình này, rất nhiều nhà kinh doanh đã linh hoạt xúc tiến thương mại, thay đổi cách tiếp cận khách hàng, chuyển dịch mô hình kinh doanh, thương mại điện tử,... “Đặc biệt, nhiều công ty đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Ví dụ, một số hãng hàng không chuyển từ chuyên chở khách sang hàng hóa, hay có tập đoàn chuyển từ sản xuất máy móc công nghiệp xe hơi sang thiết bị thở. Như vậy, trong khó khăn họ vẫn tìm cách để sống sót nhờ nắm bắt được xu hướng mới” - ông Thành dẫn chứng. TS Võ Trí Thành cũng cho rằng nhìn ở góc độ kinh doanh hiện nay có ba xu thế lớn. Thứ nhất là sản phẩm phải có các yếu tố sạch, nhân văn và an toàn. Đây được xem là mô hình cách mạng tiêu dùng hiện nay. Thứ hai là những giải pháp đi cùng sản phẩm và tương tác với khách hàng, mà cách mạng số cho phép giải quyết tốt vấn đề này. Thứ ba là giữ người lao động vì điều quan trọng nhất của sản xuất, kinh doanh chính là nhân lực được đào tạo và có các kỹ năng tốt. |
Tác giả bài viết: QUANG HUY - PHƯƠNG MINH
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 01
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM
CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Gia Lai: Kết nối Đầu tư, XT-TM Huyện Chư Puh cùng Hiệp hội Trang...
- Xe Khách Petro Bình Phước - Limousine Bình Phước
- CLB Golf Doanh Nhân Bình Dương với Giải Golf hứa hẹn nhiều dấu ấn