Lý giải số ca nhiễm thấp kỷ lục của Nga

Thứ hai - 23/03/2020 22:16
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã kiểm soát được dịch COVID-19. Điều gì đã tạo nên thành công cho quốc gia 146 triệu dân có chung đường biên giới với TQ này?

Đài RT ngày 22-3 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần qua cho biết tình hình đại dịch COVID-19 tại Nga vẫn đang trong tầm kiểm soát và việc lây nhiễm đã được ngăn chặn.

Để tiếp tục giữ được kết quả tốt đẹp như hiện nay, nhà lãnh đạo Nga kêu gọi công chúng và chính phủ “hành động bằng sự tự nhận thức, tổ chức và quan tâm lẫn nhau”, đồng thời yêu cầu các quan chức cung cấp thông tin chính xác về dịch COVID-19.

Được biết tính đến tối 23-3, Nga ghi nhận 367 ca nhiễm COVID-19 với một trường hợp tử vong. Theo đài CNN, số ca nhiễm COVID-19 thấp kỷ lục tại nước này là một thành công một cách đáng ngạc nhiên khi Nga có chung đường biên giới dài với Trung Quốc (TQ) và ghi nhận ca nhiễm đầu tiên từ hồi tháng 1.

Ngoài ra, với dân số tính đến năm 2020 vào khoảng 146 triệu người, tỉ lệ lây nhiễm của Nga thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác ở Tây Âu, nơi đã có hàng chục ngàn bệnh nhân dù dân số chưa bằng một nửa. Một ví dụ khác để so sánh, Luxembourg có dân số chỉ 628.000 người nhưng tính tới ngày 23-3 đã có 798 người dương tính với virus gây dịch COVID-19 và tám trường hợp tử vong.

Giải mã thành công của Nga

Theo số liệu do ĐH Oxford (Anh) thu thập, tỉ lệ các ca dương tính trên tổng số ca đã xét nghiệm của Nga vào khoảng 0,21% - thấp thứ hai thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (0,11%).

Một số chuyên gia cho rằng các biện pháp ứng phó sớm của Nga như đóng cửa biên giới dài hơn 4.000 km với TQ sớm từ ngày 30-1 và thiết lập vùng cách ly là yếu tố dẫn tới thành công trong kiểm soát dịch bệnh tại nước này.

Đại diện của Nga tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Melita Vujnovic chia sẻ với CNN rằng ngay khi nhận được khuyến cáo cần tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, Moscow đã lập tức cho triển khai ngay từ cuối tháng 1.

“Xét nghiệm và phân loại các trường hợp, truy dấu các tiếp xúc, cách ly, đây là những biện pháp mà WHO đề xuất và chúng đều được thực thi vào mọi thời điểm ở Nga. Giãn cách xã hội cũng là biện pháp được tiến hành tương đối sớm” - bà Vujnovic cho biết.

Theo số liệu của Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), giới chức y tế đã tiến hành hơn 156.000 xét nghiệm chỉ trong tháng 3. Đài ABC còn chỉ ra số người được xét nghiệm tại Nga chỉ xếp sau TQ và Hàn Quốc. Còn khi so sánh với các nước cùng khu vực, Anh cho tới nay chỉ mới tiến hành 64.600 xét nghiệm, trong khi Na Uy cũng mới xét nghiệm được 44.000 người.

Ngoài ra, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng chỉ ra Mỹ mới tăng tốc xét nghiệm COVID-19 từ đầu tháng 3 gần đây, trong khi Nga đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt ngay từ đầu tháng 2. Các điểm xét nghiệm y tế lưu động được thiết lập ngay tại các sân bay, tập trung vào những du khách đến từ Iran, TQ và Hàn Quốc.

Lý giải số ca nhiễm thấp kỷ lục của Nga - ảnh 1
Du khách đeo khẩu trang tại điện Kremlin, Nga ngày 21-3. Ảnh: TASS

Bác bỏ nghi ngờ Nga giấu dịch

Dù vậy, CNN cho rằng cũng không phải là không có lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch của Nga.

Đơn cử, nước này vì một lý do nào đó lại không xét nghiệm những người từ Ý hoặc những quốc gia châu Âu có dịch ngay lập tức mà chỉ tiến hành đo nhiệt độ và bắt buộc cách ly hai tuần. Theo CNN, phần lớn các ca nhiễm COVID-19 hiện nay ở Nga đều bắt nguồn từ Ý.

Bên cạnh đó, dư luận quốc tế cũng xuất hiện nhiều luồng quan điểm nghi ngờ rằng dữ liệu do giới chức Nga công bố không chính xác và có sự che đậy về số người nhiễm COVID-19 thực sự. Hồi ngày 21-3, lãnh đạo Hiệp đoàn Bác sĩ Nga Anastasia Vasilyeva đã đăng tải một loạt video tuyên bố Moscow cố tình giấu số lượng người nhiễm bằng cách dùng các cụm từ như “viêm phổi” hay “nhiễm trùng đường hô hấp” để miêu tả triệu chứng của các ca này.

Tính đến 20 giờ ngày 23-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 15.204 người tử vong vì COVID-19, 339.408 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 96.249 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. 

Tuy nhiên, các quan chức Nga đã ngay lập tức bác bỏ các nghi vấn trên và chính WHO cũng lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của Moscow trong ứng phó với dịch bệnh. “Nếu như có gì giấu giếm, có thể nhận thấy ngay trong các báo cáo. Chính vì thế, tôi không tin rằng chuyện đó đang xảy ra” - bà Melita Vujnovic khẳng định.

Tổng thống Vladimir Putin hồi ngày 18-3 cũng từng trực tiếp đề cập tới những lo ngại về các con số khi thừa nhận dù chính quyền liên bang đúng là không thể nắm được toàn cảnh tình hình dịch nhưng việc che giấu dịch cũng hoàn toàn không thể.

“Chính quyền có thể không có được thông tin đầy đủ vì hai lý do: Thứ nhất, người dân đôi khi không báo cáo. Thứ hai, có thể chính họ cũng không biết họ đã nhiễm virus vì thời gian ủ bệnh là rất lâu. Nhưng mọi thông tin được Bộ Y tế ban hành là khách quan” - ông Putin nhấn mạnh.

Trong tuần qua, trung bình số ca nhiễm mới ở Nga tăng khoảng 30-50 mỗi ngày và con số này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng khi Nga mở rộng xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm. Dù vậy, bà Vujnovic đánh giá Moscow vẫn đang làm tốt công tác phòng, chống dịch khi theo dõi chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ nhiễm cao. Theo Rospotrebnadzor, hiện có 36.540 đối tượng dạng này.

Chính phủ Nga cũng đang nhanh chóng chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng bị quyết liệt hơn, bao gồm hủy bỏ các sự kiện công cộng, đóng cửa biên giới với người nước ngoài (trừ một số trường hợp đặc biệt). Biện pháp này đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và dù ở Nga tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu chuyển xấu, đây vẫn là một bước đi phù hợp trước khi quá muộn.

COVID-19 có thể kéo dài ở châu Âu thêm hai năm

Tờ South China Morning Post ngày 22-3 dẫn lời người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch COVID-19 ở TP Thượng Hải Zhang Wenhong cảnh báo đại dịch có thể kéo dài ở châu Âu thêm hai năm nữa. Do đó, chính phủ các nước ở đây nên chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi.

“Hoàn toàn bình thường nếu có kịch bản COVID-19 đến rồi đi và kéo dài trong một hoặc hai năm nữa. Tôi có thể nói với quý vị ngay bây giờ rằng hãy quên ý nghĩ đại dịch sẽ kết thúc ở châu Âu trong tương lai gần” - ông Zhang nêu rõ.

Chuyên gia này cũng giải thích thêm rằng COVID-19 hiện đã trở thành đại dịch toàn cầu nên việc nó kéo dài là chuyện không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, việc dịch được kiểm soát sớm hay muộn còn phụ thuộc vào nỗ lực toàn cầu.

“Để giải quyết sự bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn, các biện pháp có thể phải rất quyết liệt” - ông Zhang khẳng định. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây