Khủng hoảng năng lượng châu Âu mới chỉ bắt đầu?

Thứ ba - 20/12/2022 00:01
Hệ thống năng lượng của châu Âu đã trải qua 'bài kiểm tra' thực sự đầu tiên trong tháng 12 này, khi luồng không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống. Lượng khí đốt trong các bể dự trữ đã bắt đầu giảm xuống, còn 84% ở thời điểm ngày 17/12 - từ mức gần đầy trước khi mùa đông bắt đầu...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Châu Âu đã đạt được một thành công lớn là tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này được cho là còn lâu mới đến hồi kết thúc. Năm tới có thể sẽ khó khăn hơn nhiều đối với các nước trong khu vực nếu nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục thắt chặt.

Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu kinh tế châu Âu Bruegel được Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố, tổng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu năm nay đã tăng thêm 1,06 nghìn tỷ USD. Đây là một hệ quả rõ ràng của cuộc đối đầu giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó phương Tây trút các lệnh trừng phạt mạnh tay lên Moscow và Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt cung cấp cho châu Âu.

MÙA ĐÔNG 2023 MỚI LÀ “ÁC MỘNG”

Các nhà phân tích của Bruegel nói rằng nếu các chính phủ ở châu Âu không triển khai biện pháp nào khác ngoài hỗ trợ tài chính, và nếu họ gánh vác tất cả phần chi phí năng lượng tăng thêm, số tiền phải chi ra sẽ tương đương 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của EU - một con số khổng lồ.

“Hỗ trợ to lớn của chính phủ có thể dẫn tới trì hoãn thích nghi với một mức cân bằng giá cả mới, từ đó tạo ra nhu cầu phải có thêm hỗ trợ”, Bruegel nhận định. Tổ chức nghiên cứu này nói rằng thay vì hỗ trợ tài chính, EU cần một “cuộc mặc cả quy mô lớn” để khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, song song với gia tăng nguồn cung.

Lượng khí đốt trong các bể dự trữ của châu Âu đã bắt đầu giảm xuống, còn 84% ở thời điểm ngày 17/12 - từ mức gần đầy trước khi mùa đông bắt đầu.

Một bài viết của trang OilPrice cho rằng khoảng thời gian 12-24 tháng tới sẽ quyết định liệu châu Âu có thể ứng phó với khủng hoảng năng lượng mà không phải áp các biện pháp như chia khẩu phần khí đốt hay mất đi quá nhiều sức cạnh tranh về sản xuất công nghiệp.

Hệ thống năng lượng của châu Âu đã trải qua “bài kiểm tra” thực sự đầu tiên trong tháng 12 này, khi luồng không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống phần lớn khu vực Tây Bắc của châu Âu khiến nhiệt độ giảm xuống mức đóng băng, gây tuyết rơi ở Anh và gió lớn ở Đức.

Lượng khí đốt trong các bể dự trữ của châu Âu đã bắt đầu giảm xuống, còn 84% ở thời điểm ngày 17/12 - từ mức gần đầy trước khi mùa đông bắt đầu, theo dữ liệu từ Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức dự trữ khí đốt này vẫn cao hơn, nhưng thách thức thực sự sẽ xuất hiện vào năm 2023, khi châu Âu tiếp tục phải làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông 2023-2024.

CUỘC CẠNH TRANH KHỐC LIỆT TRÊN THỊ TRƯỜNG LNG

Đây chính là vấn đề khiến cho việc lên kế hoạch của các chính phủ ở châu Âu trở nên khó khăn hơn. Kế hoạch của họ sẽ tùy thuộc vào việc dự trữ khí đốt giảm xuống mức thấp như thế nào sau mùa đông năm nay và liệu EU có đủ khả năng thu hút lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn kỷ lục bằng cách chào giá mua đắt hơn các nhà nhập khẩu ở khu vực châu Á. Việc đẩy mạnh nhập khẩu LNG sẽ trở nên khó khăn hơn nếu nhu cầu ở Trung Quốc tăng trở lại sau khi nước này nới lỏng các hạn chế chống Covid-19.

Với nhu cầu tiêu thụ khí đốt được cắt giảm và dòng chảy khí đốt Nga bị siết lại, EU đã tiếp tục giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hóa thạch Nga. Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Nga chiếm 40% tổng nhập khẩu khí đốt của EU. Con số này đã giảm còn chưa dầy 9% vào tháng 9 năm nay, theo dữ liệu chính thức từ EU.

Dù vậy, nguồn cung khí đốt Nga mới chỉ giảm mạnh từ tháng 6 năm nay. Trước mùa đông năm 2023/2024, sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở châu Âu sẽ lớn hơn nhiều nếu không có khí đốt Nga. Châu Âu sẽ không còn nhiều khí đốt Nga để dự trữ như năm nay - thậm chí trường hợp tồi tệ hơn là Nga cắt hẳn khí đốt qua đường ống TurkStream và đường ống đi qua Ukraine, là hai đường ống duy nhất dẫn khí đốt Nga sang châu Âu còn hoạt động tính đến thời điểm này. Năm nay, dòng chảy khí đốt Nga tương đối ổn định trong nửa đầu năm trước Nga bắt đầu giảm lượng cung qua đường ống Nord Stream 1 vào tháng 6, rổi tiếp đó khóa hẳn đường ống này vào đầu tháng 9.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng nếu Nga dừng hẳn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và nhu cầu LNG của Trung Quốc phục hồi về mức của năm 2021, EU có thể thiếu 27 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023.

Một báo cáo vào đầu tháng 12 này của công ty giao dịch hàng hóa cơ bản Trafigura cũng nói rằng do sự sụt giảm chóng mặt của nguồn cung khí đốt Nga, châu Âu sẽ cần khối lượng lớn LNG trong năm 2023. “Chúng tôi dự báo trong thời gian sắp tới, thị trường khí đốt tự nhiên và LNG sẽ tiếp tục biến động”, báo cáo viết. Theo báo cáo, dù châu Âu có thể tránh được tình trạng phải cắt điện trong mùa đông năm nay thông qua việc rút dự trữ khí đốt để tiêu thụ và hạn chế nhu cầu, các nước trong khu vực sẽ phải nhập khẩu rất nhiều LNG trong năm tới xét tới tình trạng eo hẹp của nguồn cung khí đốt từ Nga.

Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, hiện dao động quanh mức 108 Euro/megawatt giờ, giảm gần 70% so với mức kỷ lục gần 350 Euro/megawatt giờ thiết lập vào tháng 8. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm, giá khí đốt ở châu Âu hiện vẫn tăng gần 35%.

Theo Trafigura, do giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu còn cao, các nước trong khu vực này có thể tiếp tục hút được các lô hàng LNG trong cuộc cạnh tranh với khách mua đến từ châu Ấ. Trafigura dự báo châu Âu sẽ ưu tiên vấn đề an ninh nguồn cung “trong mùa đông năm tới và xa hơn nữa”.

Sự khó lường của thời tiết và khả năng của EU trong việc cạnh tranh với châu Á để mua LNG khi nhu cầu của khu vực này tăng lên sẽ là những yếu tố quan trọng quyết định châu Âu sẽ trải qua mùa đông năm 2023 như thế nào.

“Châu Âu vừa trải qua 2 tháng với quyền lực trên thị trường LNG thuộc về bên mua, vì dự trữ đã đầy, thời tiết còn ấp, những con tàu chở LNG xếp hàng dài chở vào cảng, và giá LNG trên sàn TTF giảm. Trước mắt sẽ là quý 1 đầy bấp bênh và quãng thời gian ít nhất 12 tháng thị trường thuộc về bên bán, vì đó sẽ là khoảng thời gian diễn ra cuộc đua làm đầy dự trữ khí đốt của châu Âu để đạt mức có thể yên tâm trước tháng 10/2023”, các nhà phân tích của SEB Bank nhận định trong một báo cáo vào đầu tháng 12 này.

An Huy

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 04

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây