Nhiều sự cố hóa chất nằm ngoài khả năng ứng phó của doanh nghiệp

Thứ ba - 20/12/2022 04:32
Song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất là những nguy hiểm tiềm ẩn gây mất an toàn, phát sinh sự cố đặc biệt tại các doanh nghiệp có hoạt động hóa chất.

Sự cố hóa chất hiện đang có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại các địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN) sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất tập trung đông. Với đặc tính của nhiều loại hóa chất dễ cháy, độc cấp tính, độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ rất nguy hiểm đến tính mạng con người cũng như tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Là DN hoạt động xuất, nhập khẩu hóa chất cùng nhiều hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại khác khi chia sẻ tại tọa đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/12, bà Hà Thị Nguyệt Quế - Đại diện Công ty TNHH công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng (Bắc Ninh) nhận thấy, nguy cơ tiềm ẩn về sự cố hóa chất của DN rất cao. Do đo, DN luôn có ý thức coi việc áp dụng những biện pháp ứng phó sự cố hóa chất là rất quan trọng.

“Phòng ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của DN. Thời gian qua, DN đã tuân thủ rất nghiêm quy định của pháp luật, hướng dẫn của Sở Công Thương Bắc Ninh, cũng như Cục Hóa chất về vấn đề an toàn và ứng phó sự cố hóa chất”, bà Quế cho biết.

Bà Hà Thị Nguyệt Quế - Đại diện Công ty TNHH công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng (Bắc Ninh) nhận thấy, nhiều sự cố hóa chất nằm ngoài khả năng ứng phó của DN.

Bà Hà Thị Nguyệt Quế - Đại diện Công ty TNHH công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng (Bắc Ninh) nhận thấy, nhiều sự cố hóa chất nằm ngoài khả năng ứng phó của DN.

Song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất là những nguy hiểm tiềm ẩn gây mất an toàn, phát sinh sự cố đặc biệt tại các DN có hoạt động hóa chất. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hoạt động hóa chất gồm một chuỗi hoạt động từ sản xuất kinh doanh, lưu trữ, tàng trữ, vận chuyển đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng và thải bỏ.

Từ đó có thể thấy, chuỗi khép kín của lao động hóa chất gồm rất nhiều khâu, mỗi khâu đều có phát sinh ra những tình huống cần phải ứng phó, nên có thể thấy nguy cơ sự cố hóa chất hiện hữu ngay xung quanh cuộc sống hàng ngày. Cũng vì lẽ đó, hoạt động diễn tập phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất của mỗi DN là điều vô cùng quan trọng.

“Mỗi hoạt động hóa chất bao gồm các chuỗi nguy cơ, có thể xảy ra từ hoạt động tàng trữ, sản xuất và vận chuyển. Những tình huống nguy hiểm có thể chỉ là hoạt động rò rỉ, cháy nổ cho đến phát tán khí độc ra môi trường. Khi phát sinh những tình huống như vậy, tùy theo quy mô có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tài sản và cả tính mạng con người.”, ông Sinh cho biết.

Tọa đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/12.

Tọa đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/12.

Thời gian qua, phương châm 4 tại chỗ luôn được áp dụng nhuần nhuyễn trong hoạt động ứng phó sự cố tại các cơ sở có hoạt động hóa chất. Theo quy định, khi xảy ra sự cố, các cơ sở phải thực hiện tốt việc chỉ huy tại chỗ, huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, đảm bảo thông tin tới các cơ quan hữu quan để có được sự hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả và thực hiện tốt đảm bảo hậu cần tại chỗ.

Tuy nhiên theo bà Hà Thị Nguyệt Quế, việc tuyển dụng nhân sự bổ sung cho các vị trí phụ trách đảm bảo an toàn hóa chất vô cùng khó khăn, khiến DN đang thực sự thiếu nguồn nhân lực. Trong khi lĩnh vực hoạt động của DN rất rộng, khối lượng hóa chất giao dịch trong ngày khá lớn nhưng đội ngũ cán bộ an toàn đang quá mỏng, tần suất và áp lực công việc quá lớn nên việc bổ sung nhân sự đúng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với nhu cầu là việc không dễ.

Ngoài ra, mặc dù DN đã cố gắng trang bị những thiết bị tốt nhất để ứng phó sự cố hóa chất, nhưng với khả năng tự trang bị của DN chỉ có thể đáp ứng ở mức tương đối với những sự cố cấp độ nhỏ, những sự cố lớn nếu không may xảy ra, DN vẫn sẽ rất khó kiểm soát.

“Khối lượng hàng hóa tồn trữ trong nhà máy lớn trong khi hoạt động sản xuất vẫn được duy trì, cho nên nếu một khi có sự cố xảy ra, với nhân lực và phương tiện hiện có để ngay lập tức ứng phó và kiểm soát chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Những sự cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát, chính bản thân DN cũng chưa thể dự liệu được để trang bị nên bất cập này rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của Sở Công Thương, Cục Hóa chất và các cơ quan chức năng liên quan, giúp DN yên tâm hơn trong hoạt động của mình”, bà Quế đề xuất.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Để nâng cao công tác ứng phó và xử lý có hiệu quả với các sự cố hóa chất nhiều cấp độ trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết, sắp tới, Cục Hóa chất được Bộ Công Thương giao chủ trì việc xây dựng Bộ Luật Hóa chất mới, trong đó sẽ thay thế, hoặc sửa đổi một số điều căn cứ trên các nghiên cứu và thực tiễn quản lý thời gian qua. Bộ Luật mới sẽ bổ những quy định cấp thiết để kịp thời hoàn thiện khung khổ pháp lý.

“Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất từ các cơ quan Trung ương cho đến các địa phương, các Bộ, ngành còn nhiều vấn đề chưa thấu đáo. Đơn cử như trong hoạt động logistics, để ứng phó với sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển sẽ không hề đơn giản. Do đó, cần phải có văn bản pháp lý quy định cụ thể hơn trong bối cảnh ứng phó sự cố hóa chất còn rất nhiều hạn chế, xử lý thành công các sự cố hóa chất vẫn luôn là vấn đề vô cùng phức tạp”, ông Sinh nói./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây