Kinh tế ASEAN-5 tăng trưởng trong bấp bênh do dịch Covid-19

Chủ nhật - 15/08/2021 09:11
Một số nền kinh tế trong khu vực ASEAN-5 đã tăng trưởng kỷ lục trong quý 2/2021. Tuy nhiên sẽ khó có thể duy trì tốc độ tăng này bởi các quy định cách ly xã hội trên diện rộng làm ảnh hưởng đến khu vực sản xuất và tiêu dùng.

Tại Philippines

Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng mạnh từ -3,9% trong quý 1/2021 lên 11,8% trong quý 2/2021, vượt qua kỳ vọng của thị trường với mức tăng trưởng 10%, chủ yếu do tiêu dùng tư nhân và đầu tư cố định phục hồi mạnh mẽ. Đây là lần mở rộng đầu tiên trong nền kinh tế kể từ quý 4/2019 và là mức tăng trưởng kỷ lục sau hơn 30 năm. Tuy nhiên, đà tăng này có thể gặp lực cản khi các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 được thắt chặt để ngăn chặn số ca mắc Covid-19 tăng cao, đặc biệt là khi lệnh phong tỏa đang được áp dụng tại thủ đô Manila, nơi chiếm 1/3 nền kinh tế nước này.

Chỉ số PMI tại Philippines giảm từ 52,5 điểm trong tháng 1 xuống 50,8 điểm trong tháng 6/2021, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 17,4 điểm trong quý 1/2021 xuống 1,4 điểm trong quý 2/2021. Trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ -34,7 điểm trong quý 1 lên -30,9 điểm trong quý 2/2021.

Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Asean khó duy trì do dịch bệnh. Ảnh: TL

Cán cân thương mại giảm khi mức thâm hụt trong tháng 6/2021 là 2,83 tỷ USD, tăng so với mức thâm hụt 1,42 tỷ USD của tháng 06/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thâm hụt 17,45 tỷ USD, tăng so với mức thâm hụt 11,37 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Tại Indonesia

Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -0,71% trong quý 1/2021 lên 7,07% trong quý 2/2021. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế mở rộng trong 5 quý và là tốc độ mạnh nhất kể từ quý 4/ 2004 chủ yếu là nhờ gia tăng hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu khi các đối tác thương mại lớn của nước này nối lại hoạt động kinh doanh sôi động hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, tín hiệu phụ hồi này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 do biến thể gây Delta gây ra.

Diễn biến của dịch khiến các chỉ số niềm tin tiêu dùng và PMI sản xuất đều giảm mạnh. Trong khi chỉ số PMI sản xuất giảm từ 52,2 điểm trong tháng 1 xuống chỉ còn 40,1 điểm trong tháng 7/2021, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 6/2020, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm. Chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng giảm từ 84,9 điểm trong tháng 1 xuống 80,2 điểm trong tháng 7, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 10/2020.

Cán cân thương mại sụt giảm khi mức thặng dư chỉ đạt 1,32 tỷ USD trong tháng 6/2021, giảm 44,3% so với tháng 5/2021.Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 11,86 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi và nhập khẩu tăng 28,4%.

Tại Malaysia

Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -3,4% trong quý 4/2020 lên -0,5% trong quý 1/2021, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu hộ gia đình tăng trong bối cảnh hoạt động kinh tế được mở lại và tác động của các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ. Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 48,9 điểm trong tháng 1/2021 xuống 40,1 điểm trong tháng 7/2021, mức thấp nhất trong 14 tháng gần đây do sự tái bùng phát Covid-19 tại nước này đã khiến cho sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm.

Cán cân thương mại nước này tăng mạnh khi đạt mức thặng dư 22,2 tỷ MYR trong tháng 6/2021, tăng 62,0% so với tháng 5/2021 và tăng 11,7% so với tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 105,5 tỷ MYR, tăng 14,3% so với tháng 5/2021; nhập khẩu đạt 83,2 tỷ MYR, tăng 5,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 115,04 tỷ MYR, tăng 87,7% so với 6 tháng đầu năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 585,56 tỷ MYR, tăng 30,2% và nhập khẩu đạt 470,53 tỷ MYR, tăng 21,1%.

Tại Thái Lan

Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -4,2% trong quý 4/2020 lên -2,6% trong quý 1/2021, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu của Chính phủ tăng. Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 49,0 điểm trong tháng 1 xuống 48,7 điểm trong tháng 07/2021, tháng giảm thứ ba liên tiếp suy giảm trong lĩnh vực này. Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 44,2 điểm trong tháng 1 xuống 41,4 điểm trong tháng 7/2021, trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 47,8 điểm trong tháng 1/2021 xuống 40,9 điểm trong tháng 7/2021. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/1999, trong bối cảnh tái bùng phát lần thứ ba của Covid-19 với sự nguy hiểm của biến thể Delta, việc triển khai vắc-xin chậm chạp và xu hướng chậm lại của tốc độ phục hồi kinh tế.

Thương mại Thái Lan ghi nhận dấu hiệu tích cực khi cán cân thương mại thặng dư 0,95 tỷ USD trong tháng 6/2021,tăng 18,8% so với tháng 5/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thặng dư 2,39 tỷ USD, giảm 45,3% so với 6 tháng đầu năm 2020, trong đó, xuất khẩu tăng 15,5% và nhập khẩu tăng 26,2%./.

Hải Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 10

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây