Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp bất động sản

Thứ bảy - 14/08/2021 00:37
Với mục tiêu tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết Việt Nam giai đoạn 2010-2019, nghiên cứu này phân tích hồi quy dữ liệu theo phương pháp bình phương nhỏ nhất tổng quát (GLS) trên Eview.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố như: Quy mô doanh nghiệp; vòng quay khoản phải thu; vòng quay tổng tài sản; tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần và tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp có tác động cùng chiều với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Ngược lại, cấu trúc vốn, tuổi doanh nghiệp và cấu trúc tài sản có tác động ngược chiều với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Đặt vấn đề

Những biến động tích cực đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư, gia tăng thu nhập nên nhu cầu đầu tư, cũng như nhu cầu về mua nhà ở của người dân ngày càng tăng. Điều này dẫn đến sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, do lợi nhuận trong lĩnh vực này tương đối cao đã thu hút và khuyến khích các DN tăng cường kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động, từ đó đã tạo ra “cơn sốt ảo” đối với thị trường bất động sản và hiện tượng “bong bóng” bất động sản xuất hiện là điều khó có thể tránh khỏi.

Các chính sách của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, giảm đầu tư công, các chính sách tiền tệ, hạn chế cho vay phi sản xuất... khiến các DN bất động sản gặp không ít khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường với các đối thủ mạnh hơn về vốn, công nghệ và cách thức quản lý.

Trong điều kiện các DN trên thị trường cạnh tranh gay gắt, làm thế nào để duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận cho DN?. Đây là một câu hỏi lớn đối với DN bất động sản.

Từ thực tế đó, việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các DN bất động sản tại Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các DN bất động sản tại Việt Nam với dữ liệu được thu thập từ 92 DN bất động sản niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2010 - 2019.

Bằng phương pháp phân tích định lượng, sử dụng mô hình hồi quy theo phương pháp bình phương nhỏ nhất tổng quát (GLS) trên Eviews 8.1, nghiên cứu xác định chiều hướng và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến khả năng sinh lời của các DN bất động sản Việt Nam.

Mô hình và kết quả nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

ROAit = β0 – β1LSIZE it + β2 CSit + β3CRit + β4RT it – β5ATit + β6ROSit + β7AGEit + β8FAit + β9GRit + εi,t

Trong đó:

Biến phụ thuộc: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA);

Biến độc lập: Quy mô DN (LSIZE); cơ cấu vốn (CS): Tính thanh khoản (CR); vòng quay khoản phải thu (RT); vòng quay tổng tài sản (AT); tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS); tuổi DN (AGE); cơ cấu tài sản (FA); tốc độ tăng trưởng DN (GR); εi,t: Các biến chưa được xác định.

Kết quả thống kê mô tả cho biết về các giá trị trung bình, giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất, mức độ sai số của các biến trong mô hình nghiên cứu.

Kết quả kiểm định tương quan cho thấy, các yếu tố như quy mô DN (LSIZE); cấu trúc vốn (CS); tính thanh khoản (CR); vòng quay khoản phải thu (RT); vòng quay tổng tài sản (AT); tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS); tuổi DN (AGE); cấu trúc tài sản (FA); tốc độ tăng trưởng DN (GR) đều có mối tương quan với khả năng sinh lời.

Kết quả ước lượng theo phương pháp GLS cho thấy, hệ số F-statistic là 101.3426 với giá trị Prob (F-statistic) là 0.000000 < α =5% cho thấy mô hình đã xây dựng là phù hợp. Mô hình có R2 hiệu chỉnh là 0.548429 cho thấy, mô hình có thể giải thích được 54.84% sự biến động của tỷ suất sinh lời của các DN bất động sản Việt Nam.

Kết luận và khuyến nghị

Đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các DN bất động sản tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019” cho thấy, quy mô DN (LSIZE); vòng quay khoản phải thu (RT); vòng quay tổng tài sản (AT); tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) và tốc độ tăng trưởng DN (GR) có tác động cùng chiều với khả năng sinh lời của các DN bất động sản Việt Nam.

Ngược lại, cấu trúc vốn (CS); tuổi DN (AGE) và cấu trúc tài sản (FA) có tác động ngược chiều với khả năng sinh lời của các DN bất động sản Việt Nam; trong đó, yếu tố thanh khoản (CR) không có ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ROA được duy trì với mức trung bình là 3.88% cho thấy, mức sinh lời thực tế của DN bất động sản Việt Nam không cao.

Để đảm bảo tồn tại và phát triển bền vững, các DN bất động sản niêm yết tại Việt Nam cần hướng đến mục tiêu là tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua khai thác và quản trị hiệu quả những nguồn lực có sẵn dựa trên những giải pháp, chiến lược liên quan đến quy mô, cơ cấu vốn, quản trị khoản phải thu, khai thác hiệu quả tài sản…

Các DN bất động sản niêm yết tại Việt Nam đã có lợi thế về quy mô nên cần phải tiếp tục đổi mới, tái cấu trúc để có thể đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, DN bất động sản nên hạn chế sử dụng nợ vay, để tài trợ cho tài sản hay các dự án khả thi. DN bất động sản cần phải tìm nguồn vốn thay thế cho nợ, đó chính là nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại, vốn huy động trên thị trường tài chính…

Chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán sớm, hoặc hợp tác với khách hàng trong việc giải quyết các khoản phải thu như chiết khấu tiền mặt, để khuyến khích khách hàng thanh toán trước ngày đến hạn không chỉ giúp DN bất động sản quản lý tốt các khoản phải thu mà còn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng.

Việc xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh đúng đắn và phù hợp cho phép DN bất động sản định hình được mục tiêu cần phải thực hiện để đạt được. Ngoài ra, các DN bất động sản Việt Nam cần có phương thức thanh toán thuận tiện, nhanh chóng cho người mua, giảm nợ khó đòi, từ đó tăng doanh thu và khả năng sinh lời của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Quan Minh Nhựt và Lý Thị Phương Thảo (2014), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, 33, 65-71;

2. Lê Thị Thu Tâm (2011), Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất của công ty: Kết quả thực nghiệm về ngành công nghiệp xây dựng ở Bắc Mỹ, Tạp chí Khoa học và công nghệ Đại học Đà Nẵng, 42(1), 174-181;

3. Al-Jafari, M. K., & Al Samman, H. (2015), Determinants of Profitability: Evidence from Industrial Companies Listed on Muscat Securities Market, REviews of European Studies, 7(11), 303;

4. Almajali, A. Y., Alamro, S. A., & Al-Soub, Y. Z. (2012), Factors affecting the financial performance of Jordanian insurance companies listed at Amman Stock Exchange, Journal of Management Research, 4(2), 266;

5. Agha, H. (2014), Impact of working capital management on profitability, European Scientific Journal, 10(1);

6. Mohamed M. Tailab (2014), Analyzing Factors Effecting Profitability of Non- Financial US Firms, Res. J. Finance Account, 5, 17-26;

7. Omondi, M. M., & Muturi, W. (2013), Factors affecting the financial performance of listed companies at the Nairobi Securities Exchange in Kenya, Research Journal of Finance and Accounting, 4(15), 99-105.

(*) ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây