TP.HCM dự kiến tuyển hơn 25.000 lao động vào cuối năm

Thứ năm - 15/12/2022 00:14
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP.HCM và Hà Nội vào cuối năm đang dao động hơn 25.000 người, tập trung ở các ngành thương mại, dịch vụ…

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp phía Nam bị cắt giảm đơn hàng, khiến người lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, cho nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động…

Các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang Châu Âu như dệt may, da giày; ngành điện, điện tử; một số doanh nghiệp thuộc ngành gỗ… bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điển hình, tại TP.HCM, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thông báo cho 20.000 người lao động tại một số xưởng thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên; tại Bình Dương, có hơn 28.000 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có trên 240.000 lao động phải giảm giờ làm...

Người lao động đang làm việc ở xưởng may.

Người lao động đang làm việc ở xưởng may.

Tuy nhiên, trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ LĐ-TB&XH nhận định số người lao động bị cắt giảm ở trên chủ yếu là lao động phổ thông. Trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, thương mại dịch vụ (chế biến lương thực, thực phẩm), dịch vụ lưu trú và ăn uống, giao nhận hàng hóa… vẫn khá cao với nhiều vị trí công việc.

Cụ thể, TP.HCM dự kiến cần 25.000 lao động ngay trong tháng cuối năm (12-2022), trong đó ngành thương mại, dịch vụ chiếm 68% tổng nhu cầu nhân lực. Tương tự, Hà Nội dự kiến cần tuyển hơn 27.800 lao động trong thời gian tới.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc một số công ty cho lao động nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng cũng chưa phản ánh được hết thị trường lao động. Bởi ngay ở các tỉnh, trong khi tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc làm, nghỉ việc luân phiên... đang diễn ra thì nhu cầu tuyển dụng vẫn cao, thậm chí là ở trong chính những ngành đang có tình trạng trên.

Cụ thể, Bắc Ninh có nhu cầu tuyển dụng 20.683 lao động, tập trung ở ngành điện, điện tử chiếm 93,8%. Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng 12.500 lao động, trong đó có đến 50,66% ở ngành dệt may, da giày. Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng 6.000 lao động, trong đó ngành dệt may, da giày chiếm 16,67%, ngành điện, điện tử chiếm 33,33% và ngành gỗ, tre, nhựa chiếm 38,33%...

Qua đó, Bộ LĐ-TB&XH nhận định tình trạng trên phản ánh thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Song song đó, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ dẫn đến người lao động khó nắm bắt.

Để giải bài toán này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng sắp tới cần tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Cạnh đó, thu hút lao động tại chỗ, đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.

“Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

VIẾT LONG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 04

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây