Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

Thứ hai - 26/12/2022 23:10
Thực tế, những năm qua va đập nhiều vụ việc, nhận thức của doanh nghiệp ngành thép về phòng vệ thương mại đã tốt lên nhiều.
Sắt thép là ngành hàng xuất khẩu bị vướng nhiều vụ việc phòng vệ thương mại tại Mỹ.

Sắt thép là ngành hàng xuất khẩu bị vướng nhiều vụ việc phòng vệ thương mại tại Mỹ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng tăng sau mỗi năm, tính đến hết năm 2022 đạt 371,5 tỷ USD, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hàng hóa Việt Nam cũng liên tục dính các vụ việc phòng vệ thương mại.

Mỹ là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tính đến tháng 11/2022, Mỹ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tổng cộng 51 vụ với hàng Việt Nam, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như: gỗ, cá tra - basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: thép, máy cắt cỏ... thậm chí cả sản phẩm bìa kẹp hồ sơ, ghim dập...

Khi một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng quá nhanh vào thị trường Mỹ và chiếm được một thị phần tương đối tại đây thì mặt hàng đó sẽ có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc là biện pháp chống lẩn tránh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hết 11 tháng 2022, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu, xu hướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại của Mỹ tiếp tục gia tăng.

Con số 51 vụ việc Mỹ tiến hành với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, chiếm khoảng độ 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho thấy việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tại Mỹ lớn cỡ nào.

"Mỹ là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra xem hàng hóa đó có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam lớn hay không. Chẳng hạn, có tới 22/51 vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng Việt ", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương lý giải.

Thực tế, Việt Nam tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường và xuất khẩu sang Mỹ, nhất là từ giai đoạn từ 7/2018 đến nay, khi Mỹ áp thuế 25% với hơn 800 măt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho nhiều ngành hàng của nước ta tăng tốc xuất vào Mỹ, nhưng xuất khẩu nhiều thì rủi ro bị vướng các vụ việc phòng vệ thương mại cũng tăng lên.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phân tích, trong nhóm các nước có quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico, có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ hoặc xấp xỉ đạt 20 tỷ USD và song hành với cơ hội khi tận dụng được chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số quốc gia thì Việt Nam cũng tận dụng được cơ hội này, mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu sang Mỹ.

Ngành thép từng cán mốc kim ngạch xuất khẩu trên chục tỷ USD vào cuối năm 2021 cũng là ngành dính kiện nhiều tại Mỹ.

Năm 2018, Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ mặt hàng của của ngành thép lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Đến năm 2020 Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng dải và dạng đai nhập khẩu từ Việt Nam. Năm 2021, Mỹ nhận đơn của ngành hàng sản xuất trong nước để điều tra chống bán phá giá đối với sản xuất cũng là sản phẩm chống ăn mòn nhưng sau đó Mỹ có phán quyết là không khởi xướng.

Gần nhất, tháng 8/2022 Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến ngành thép, có nguyên nhân lớn là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tại tại sản xuất tại Việt Nam cũng như chi phí nhân công đang còn thấp. Với lợi thế này, giá thành phẩm sẽ rẻ hơn so với giá sản xuất ở các thị trường, trong đó có Mỹ.

Năng lực của ngành thép đã cải thiện vượt bậc, từ một nền sản xuất nhỏ lẻ lạc hậu đến nay đã có một nền công nghiệp thép với quy mô trên 23 triệu tấn thép một năm trong năm 2021 và đến tháng 4/2022 thì Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng ngành thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản lượng sản xuất thép thô.

Sự tăng trưởng đó kéo theo xuất khẩu cũng gia tăng nhanh chóng và một khi tăng quá nhanh đối với một mặt hàng tại thị trường nào đó sẽ dễ bị vướng vào các vụ việc phòng vệ.

Nhưng nhìn ở góc độ rộng hơn và có sự xử lý vụ việc một cách có hiệu quả thì ở một góc độ khác lại khẳng định một vị thế mới của hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Thái, khi năng lực sản xuất lớn, xuất khẩu gia tăng, doanh nghiệp cần chủ động các kịch bản để ứng phó với phòng vệ. Thực tế, những năm qua va đập nhiều vụ việc, nhận thức của doanh nghiệp ngành thép về phòng vệ thương mại đã tốt lên nhiều.

Hệ thống quản lý xuất nhập khẩu của Mỹ dựa trên nguyên tắc quản lý hậu kiểm. Doanh nghiệp bị điều tra cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn, có kịch bản ứng phó, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình tại thị trường xuất khẩu bằng cách chủ động lưu trữ thông tin, đảm bảo xuất xứ, dữ liệu sản xuất cập nhật đầy đủ...

Thế Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 04

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây