Lợi nhuận ngân hàng 'chậm lại'

Thứ tư - 28/12/2022 01:30
Có nhiều yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng quý IV/2022 chậm lại, dù hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được nới.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện tăng 2 - 4%/năm so với đầu năm 2022

Lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện tăng 2 - 4%/năm so với đầu năm 2022

Tình hình chung là kém khả quan

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Nếu tính riêng quý IV/2022, lợi nhuận của ngân hàng đi ngang”.

Một ngân hàng thương mại cổ phần khác chia sẻ: “Nếu tính riêng quý IV/2022, ước đoán ngân hàng không có lợi nhuận, nhưng vẫn còn may khi chưa bị âm. Tuy nhiên, cả năm 2022, lợi nhuận vẫn tốt, bởi kết quả kinh doanh tăng mạnh trong quý II, đặc biệt là quý III”.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nói: “Khi mọi người nhìn vào room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng được nới sẽ nghĩ đến việc các ngân hàng được cho vay nhiều hơn, đồng nghĩa với việc có thêm lợi nhuận, nhưng thực tế là room được nới trong bối cảnh thanh khoản có những khó khăn, đẩy lãi suất huy động lên cao. Lãi suất huy động tăng cũng có nghĩa lãi suất cho vay tăng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang chật vật phòng thủ, không có nhu cầu vay mượn nhiều, mà lãi suất huy động tăng trong khi không cho vay được, lợi nhuận ngân hàng sẽ bị thiệt hại”.

Tuy nhiên, tại một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, kết quả kinh doanh quý cuối năm 2022 được một lãnh đạo cao cấp tiết lộ: “Dù chưa hết quý, nhưng tình hình chung là khả quan do có lợi thế về nguồn vốn dồi dào. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vẫn diễn ra tích cực cùng với việc được nới room tín dụng”.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, năm 2022, ngân hàng nếu có lợi nhuận cao đi chăng nữa cũng sẽ không công bố rầm rộ như mọi năm, bởi Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã lưu ý trong cuộc họp gần đây do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.

Cụ thể, vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết: “Phó thống đốc đã nói, các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước, lợi nhuận thu được đều đóng góp cho ngân sách, nhưng đừng có công bố lợi nhuận năm nay tăng gấp bao nhiêu lần so với năm ngoái, trong bối cảnh, điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay, lãi suất thì đẩy lên cao”.

Một khảo sát tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nhiều người dân nuôi trồng thủy sản khi thu hoạch xong phải cấp đông trữ trong kho, bởi nhu cầu thị trường trong nước đang rất chậm, trong khi đơn hàng từ thị trường nước ngoài không có. Đối với ngành giầy da, đơn hàng từ thị trường bên ngoài gần như dừng hẳn.

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Tiêu dùng hậu Covid-19 cũng dường như phục hồi chậm lại. Bên cạnh đó, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Xuất khẩu hàng hóa (tháng 11/2022) lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021 giảm 8,4% (so với cùng kỳ), do sức cầu bên ngoài yếu đi”.

Thống kê cho thấy, do sức cầu giảm, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 11/2022 so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 5,3%, thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo lần đầu tiên bị trượt về vùng suy giảm (thấp hơn mốc 50 điểm) kể từ tháng 10/2021. Doanh số bán lẻ vẫn ở mức cao, nhưng tốc độ tăng đang giảm dần.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2022, cả nước có 11.943 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,3% so với tháng 10 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, lần lượt giảm 1,3% và tăng 13,7%; có 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, lần lượt tăng 21,3% và tăng 9,8%; có 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, lần lượt giảm 11,2% và tăng 13,2%. Tính chung 11 tháng năm 2022, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132.300 doanh nghiệp, tăng 24,3% so với cùng kỳ.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nói: “Ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi mối quan hệ của ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, chứ không phải là đối thủ. Doanh nghiệp không phát triển, làm sao ngân hàng cho vay được”.

Nhiều yếu tố tác động

Lãi suất huy động tăng trong khi không cho vay được, lợi nhuận ngân hàng sẽ bị thiệt hại.

Vị tổng giám đốc trên cho biết, lợi nhuận ngành ngân hàng chậm lại kể từ quý IV/2022, bởi thu nhập ngoài lãi chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu). Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Còn thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng.

“Mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn, nhưng bắt đầu suy giảm kể từ quý IV/2022. Nợ xấu sẽ tăng khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn”, vị tổng giám đốc nhận định.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng huy động toàn ngành là 4,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%. Vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. So với thời điểm đầu năm 2022, lãi suất huy động tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng 2%/năm và tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, mức tăng là 3 - 4%/năm. Điều này dẫn đến chi phí vốn tăng theo.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là chi phí cho nhân viên sẽ tiếp tục tăng lên do xu hướng chuyển đổi số khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ và thu hút nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu. Đó là chưa kể, việc giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế cũng sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng trong quý IV/2022.

“Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và kéo dài sang 6 tháng đầu năm 2023”, vị tổng giám đốc dự báo.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết (chiếm 70% tổng tài sản, 71% dư nợ và 68% tiền gửi khách hàng của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến ngày 30/9/2022) cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2022, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, trong đó 7 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ.

“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lợi nhuận 9 tháng chưa phản ánh kết quả kinh doanh cuối cùng của năm do các tổ chức tín dụng thường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ vào cuối năm, sau khi đánh giá đầy đủ hơn về chất lượng tín dụng”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, từ quý III/2022, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng không như kỳ vọng. Có 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2022, nhưng mức độ cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước đó. Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng, nhưng có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận giảm và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi so với năm 2021.

Nhuệ Mẫn

Nguồn tin: www.tinnhanhchungkhoan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây