Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Thứ ba - 08/02/2022 20:34
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Ngân hàng trong năm 2022 cần khuyến khích, vận động tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó phải hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất- kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và chúc Tết ngành Ngân hàng (Ảnh: Đ.K)

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi thăm và chúc Tết ngành Ngân hàng chiều 8/2.

Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân càng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt tăng trưởng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế nên dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng so với năm 2020. Tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Tín dụng tăng trưởng phù hợp với mức hấp thụ của nền kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; hoạt động thanh khoản tiếp tục có những bước tiến vượt bậc… Công tác điều hành của NHNN và hoạt động của hệ thống ngân hàng đã góp phần giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần củng cố vững chắc nền kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2022, NHNN xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đó, ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế; chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh; triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025…

Tại buổi thăm và chúc Tết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng ngay khi dịch bệnh bùng phát ở nước ta đầu năm 2020. Theo đó, ngành ngân hàng đã đi đầu ban hành triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ban hành chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí. Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng là ngành đi đầu trong việc hỗ trợ phòng chống dịch với số tiền hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho bà con vùng dịch bằng cả tấm lòng và sự chia sẻ sâu sắc.

“Ngành ngân hàng tiếp tục củng cố và hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động đặc biệt nắm bắt xu thế, dự báo để ban hành những chính sách phù hợp; rà soát những vấn đề còn bất cập và có sự điều chỉnh kịp thời, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng. Có thể nói, ngành ngân hàng là ngành đi đầu trong việc chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, 6 năm liên tục đứng đầu các Bộ ngành về cải cách hành chính là điều rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực của các đồng chí trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi thăm và chúc Tết (Ảnh: Đ.K)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, linh hoạt, khéo léo xử lý các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín môi trường đầu tư và vị thế quốc gia.

Đặc biệt, NHNN đã xử lý phù hợp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần quan trọng giúp Việt Nam không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại và ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ, tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng cho rằng, để đạt được những kết quả trên là do nhiều yếu tố, trong đó có tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của hệ thống ngân hàng; trách nhiệm, quyết liệt trong điều hành; tinh thần chia sẻ của ngành với người dân và doanh nghiệp và làm tốt công tác truyền thông để tạo đồng thuận dư luận vì thông tin liên quan đến lĩnh vực ngân hàng mang tính nhạy cảm cao.

Năm 2022, người đứng đầu Chính phủ nhận định là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025; dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, tác động tiêu cực của dịch bệnh lên mọi mặt của cuộc sống còn nhiều. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chinh chỉ đạo, ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất-kinh doanh.

Trong đó cần khuyến khích, vận động tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ để mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra cần tập trung triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, đảm bảo an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN phải chú ý công tác truyền thông, tránh khủng hoảng truyền thông và nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng./.

Minh Phương

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây