33 Ủy viên Trung ương giữ chức bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ XII

Thứ bảy - 27/03/2021 11:15
Trong nhiệm kỳ qua, có 30 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức bộ trưởng và tương đương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII chiều 27/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề về báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

Khái quát kết quả trong công tác xây dựng đảng của nhiệm kỳ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu nhiều con số ấn tượng.

Trong đó đáng chú ý là việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy giảm chi hơn 5.000 tỷ đồng

Ông Phạm Minh Chính dẫn chứng số liệu của Bộ Tài chính cho thấy dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã giảm trên 5.000 tỉ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

“Dự án chi thường xuyên của cả nước năm 2020 hơn một triệu tỉ đồng, chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm 0,7% so và năm 2019, tương đương trên 57.000 tỉ đồng”, ông Phạm Minh Chính nói.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, con số này vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm và thấp hơn kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%).

Về công tác cán bộ, tính từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/9/2020, Trung ương đã luân chuyển, điều động 33 ủy viên Trung ương Đảng và 6 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức bí thư các tỉnh ủy, thành ủy; 2 ủy viên Trung ương Đảng và 3 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy.

33 Ủy viên Trung ương giữ chức bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ XII
Các đại biểu dự hội nghị

Trong nhiệm kỳ có 30 ủy viên Trung ương Đảng và 3 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức bộ trưởng và tương đương; 11 ủy viên Trung ương Đảng và 2 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức thứ trưởng và tương đương.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 1.003 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 888 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 5.202 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và 2.753 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

“Nhìn chung, những cán bộ được điều động, luân chuyển cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý bằng những kết quả cụ thể”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.

Ông Phạm Minh Chính cũng cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đợt tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị.

Kết quả, có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục. Cả nước có gần gần 56.000 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56%; hơn 2.800 trường hợp sai về quy trình, thủ tục, chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát.

Riêng việc thẩm định tiêu chuẩn chính trị nhân sự của Đại hội XIII, nhân sự diện Trung ương quản lý lần này Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo có 8 cơ quan tham gia thẩm định. Có những trường hợp có đến 18 cơ quan tham gia…

"Kỷ luật đảng viên nhiều, chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì"

Đề cập đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Kỷ luật đảng viên nhiều, chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước vừa qua, tình hình suy thoái chúng ta phải làm”.

Ông dẫn chứng trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã kiểm tra gần 265 ngàn tổ chức Đảng, trên 1 triệu đảng viên. Như vậy cứ 5 đảng viên có 1 người bị kiểm tra giám sát. Kết quả kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 70.000 đảng viên.

33 Ủy viên Trung ương giữ chức bộ trưởng và tương đương trong nhiệm kỳ XII
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy gắn phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có Đảng".

Về Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm có hiệu quả. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, đi kèm với đó là tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng lên.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kỷ luật cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao là nỗi đau của chúng ta. Vì vậy, phải giám sát, kiểm tra để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Đề cập đến một số tồn tại, hạn chế, ông Phạm Minh Chính lưu ý, mặc dù đạt được kết quả quan trọng trong việc đổi mới, sắp xếp bộ máy ở một số nơi nhưng thực hiện còn chưa đồng đều, nhiều địa phương, cơ quan còn trông chờ.

“Đặc biệt, như tôi nói, đụng đến tổ chức, con người có nhiều vấn đề tế nhị, tâm tư, cho nên, cũng có nơi làm tốt, có nơi chưa làm tốt. Việc này phải cố gắng hơn nữa”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, chồng chéo, chức năng nhiệm vụ.

Ngoài ra, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, xem xét ban hành Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vì lợi ích chung.

“Trong Nghị quyết 26 cũng đặt vấn đề, chúng ta tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhưng lại chưa có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói dám đấu tranh”, ông Chính nói.

Ông Phạm Minh Chính cho hay, vừa qua, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương xây dựng và thảo luận mấy vòng, các chuyên gia góp ý nhưng vẫn thấy chưa yên tâm khi báo cáo Bộ Chính trị.

“Trong chương trình làm việc toàn khóa cũng đưa ra. Trong năm nay, theo phân công của Bộ Chính trị sẽ báo cáo sớm việc này”, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính cho hay.

Theo ông, siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta làm được mảng siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì tốt rồi nhưng bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy gắn phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có Đảng", xây dựng đội ngũ cán bộ trọng dân, tin dân, hiểu dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết Đảng và nhân dân, tổ chức tốt việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền theo định kỳ.

Ba nhiệm vụ trọng tâm:
- Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương.
- Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
- Tiếp tục đổi mới kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ba giải pháp đột phá:
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ.
- Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
- Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Thu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây