Dự thảo quy định mới về bảo vệ môi trường: Nhiều điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)- cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tuần cuối tháng 9/2021, đang có nhiều bất cập.
Nhiều quy định bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhiều vấn đề của Dự thảo này vẫn đang gây tranh cãi bởi không ít quy định, phương thức, tiêu chí được cho là “áp” từ các nước tiên tiến, hiện đại sang một đất nước đang phát triển- mà nhiều lĩnh vực kinh tế gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, cần thời gian và lộ trình để đáp ứng. Quy định của Dự thảo phức tạp, gây khó khăn và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, lại dễ phát sinh thêm tiêu cực trong thực tiễn nếu được thông qua.
Đây là vấn đề chung được cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng phản ánh, góp ý thời gian qua. Đó là các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại VN (EUROCHAM), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại VN (AMCHAM), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam.
Nuôi cá lồng bè ở Quảng Ninh. Ảnh minh họa internet
Các hiệp hội ngành hàng cho biết, theo Dự thảo, thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp và trùng lắp. Trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới tại Dự thảo thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường. Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.
Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường quy định hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường gồm 3 mục. Trong Dự thảo cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM. Và còn nhiều mục trùng lắp khác.
Cùng với đó là Quy trình cấp phép trùng lắp, không rõ ràng. Theo Dự thảo, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa, nhưng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.
Đáng chú ý, quy trình cấp phép theo Dự thảo không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm mà không hậu kiểm, sẽ không thể phát hiện được các vi phạm, mà bài học đau đớn là trường hợp Forrmosa.
Hơn nữa, thủ tục cấp Giấy phép môi trường điều chỉnh hay cấp lại cũng rất phức tạp. Báo cáo đề xuất cấp điều chỉnh hay cấp lại cũng phải làm như cấp mới. Có những quy định nằm ngoài Luật Bảo vệ môi trường, như doanh nghiệp chỉ bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư nhưng vẫn phải làm thủ tục cấp lại Giấy phép môi trường và làm báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay cả khi không làm tăng tác động xấu đến môi trường.
Các hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại về phí tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) do cách tính, thu và quản lý phí có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu minh bạch.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, công thức tính phí là chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu của Dự thảo là quá cao, rất khó thực thi, vì ngay cả Châu Âu lúc đầu cũng chỉ đạt 50-60%. AMCHAM đề nghị, việc thu phí này cần phải có lộ trình và tỉ lệ thu hồi phù hợp, khởi đầu là 40%, sau đó cứ 3 năm tăng một lần, mỗi lần không quá 5%. Trước mắt ưu tiên thu gom, tái chế những sản phẩm, bao bì khó thu gom, gây tác hại lớn cho môi trường. Những bao bì có giá trị thương mại và tỉ lệ thu hồi cao, như bao bì giấy, bao bì nhôm, không gây độc hại cho môi trường nên được cân nhắc bỏ ra khỏi danh mục tái chế bắt buộc”- Chủ tịch AmCham đề xuất.
Các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn.
Đối với quy định về Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR quốc gia, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, việc thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam là tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Các hiệp hội kiến nghị không thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam, nhiệm vụ này nên giao cho một đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo sự giám sát của Nhà nước.
Dự thảo quy định doanh nghiệp “đóng góp tài chính” vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải. Về vấn đề này, đại diện Công ty CANON Việt Nam cho rằng, nếu gọi “đóng góp” thì phải là khoản tiền tự nguyện dựa trên khả năng, nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp nhưng ở đây là khoản tiền doanh nghiệp bắt buộc phải đóng. Về bản chất đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác khoáng sản được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường. Hơn nữa, với cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là phí trong Dự thảo khiến nhiều Hiệp hội và doanh nghiệp quan ngại khi thấy rằng, khoản tiền lớn này sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước,có thể sẽ không chịu các quản lý theo luật phí và lệ phí.
Không công bằng khi đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao
Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Dự thảo đưa ngành chế biến thủy sản vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” là không công bằng. QCVN 11:2015 về nước thải nhà máy chế biến thủy sản đã nêu các chỉ tiêu đặc thù của nước thải chế biến thủy sản, theo đó không có các chỉ tiêu nước thải độc hại; các chỉ tiêu nước thải cũng chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.
Đáng chú ý, các phế liệu thủy sản đa phần được thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, dầu biodiezel, chitin, chitosan, collagen... Vỏ ngao, sò, ốc, hến... cũng thường được một số cơ sở thu mua để làm nguyên liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, xay ra thành bột trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng lượng canxi cho vật nuôi, lấp đất, lấp đường... hoặc nếu phải bỏ đi thì cũng không phân hủy tạo thành các chất thải nguy hại. Các bao bì carton, nylon cũng được các cơ sở thu gom phế liệu thu mua lại để làm nguyên liệu tái chế.
Hơn nữa, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản có lưu lượng xả thải ra môi trường chỉ từ 200m3/ngày cũng phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải, thay cho mức từ 1.000m3/ngày được quy định trước đây là làm khó doanh nghiệp.
Đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỉ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40 đến 50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Nhưng điều đáng nói là hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác. Yêu cầu này khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa, không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được- ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 01 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các doanh nghiệp có vùng nuôi.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, gần 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi- khai thác- chế biến- xuất khẩu. Theo tính toán của sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản,..). Một doanh nghiệp trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất.
“Doanh nghiệp đang ngồi trên đống lửa thì lại thêm lo về những quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến. Cần phải điều chỉnh những bất cập trong Dự thảo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp thuế nhiều hơn cho Nhà nước” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Lê Kim Liên
Nguồn tin: baomoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 11
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : VŨ THỊ HẢI YẾN
Công ty TNHH GFS Việt Nam
-
Hội viên : DƯƠNG QUỐC KHÁNH
Công ty CP CN Thiết Bị Dịch Vụ Môi Trường Ánh Thủy
-
Hội viên : NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Công ty TNHH thương mại sản xuất nệm Kim Cương
-
Hội viên : ĐÀO MINH SÁNG
Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa F.C.I
-
Hội viên : DƯƠNG QUANG NHẬT
Công Ty TNHH Thực Phẩm IZEN
-
Hội viên : NGUYỄN HOÀNG ANH
Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ BCB
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ...
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Tổng giám đốc WTO: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển...
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Beta Solution: Nhà phân phối chính thức của Donaldson và INGERSOLL...